Kịch nói thoát khỏi sự khô cứng

23/04/2018 07:24 GMT+7

Hơn 2/3 chặng đường đi qua cho thấy Liên hoan Kịch nói lần này (diễn ra từ 11 - 25.4 tại TP.HCM) khá được lòng người xem, có những vở diễn gây ấn tượng từ kịch bản đến cách dàn dựng, thiết kế sân khấu.

21 trên tổng số 27 vở diễn đã thể hiện phần dự thi của mình tại liên hoan. Có những vở chưa từng công diễn, lần đầu tiên ra mắt khán giả tại liên hoan như Hiu hiu gió bấc (Công ty TNHH dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo; tác giả: Nguyễn Thị Thanh Thúy; đạo diễn: Lê Đăng Khoa), Yêu là thoát tội (Nhà hát Thế giới trẻ; tác giả: Lê Chí Trung; đạo diễn: Cao Đức Xuân Hồng), Rặng trâm bầu (Công ty TNHH MTV xúc tiến thương mại và tổ chức biểu diễn TKC; tác giả: Vũ Trinh và Secc chuyển thể từ kịch bản phim cùng tên của đạo diễn Bùi Đình Thứ; đạo diễn: NSƯT Trịnh Kim Chi)...
Với lực lượng đông đảo gần 1.000 diễn viên cả nước tham gia biểu diễn trong các vở, cho thấy các nhà hát, đoàn kịch đều tập trung đầu tư cho liên hoan. Hầu hết các vở đều khá đông diễn viên tham gia diễn xuất. Đặc biệt, việc 13 đơn vị ngoài công lập trên tổng số 22 đơn vị cũng là điều giúp liên hoan tạo thêm sắc màu từ các tác phẩm dự thi.
Các vở đến từ các tỉnh phía bắc thường đi vào chiều sâu ngôn ngữ, nhưng đôi khi lại đưa vào những vấn đề, chủ đề tư tưởng thông qua những lời thoại mang tính tuyên ngôn hơi nhiều nên người xem có cảm giác vở hơi khô cứng. Tuy nhiên, một trong những vở phía bắc gây được cảm tình của nhiều khán giả tại liên hoan là Khi con tốt sang sông (Nhà hát Kịch nói Quân đội; tác giả: Xuân Đức; đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) lại cho thấy một sự nhẹ nhàng trong cách dàn dựng, thể hiện của các diễn viên không hề gồng cứng. Dù nói về đề tài người lính nhưng vở không bị “lên gân” hay hô khẩu hiệu, ngược lại, vở dẫn dắt khán giả qua những cung bậc cảm xúc khi nói về cách con người ứng xử với nhau trong cuộc đời giống như trên một bàn cờ. Đây cũng là vở có thiết kế sân khấu ấn tượng khi phông nền dựng lại hình ảnh những ô bàn cờ tướng với những quân cờ liên tục thay đổi theo từng tình huống kịch.
Thu hút khán giả
Ban tổ chức quyết định chọn TP.HCM là nơi diễn ra liên hoan lần này vì đây là nơi có hoạt động nghệ thuật sân khấu sôi động nhất cả nước, sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả. Thực tế, trong các buổi diễn dự thi, lúc nào khán phòng cũng có khán giả, dù là những vở ở miền Nam hay các tỉnh phía bắc, dù là ở điểm thi chính tại Nhà hát Quân đội hay các địa điểm sân khấu trong thành phố. Điều này cho thấy liên hoan tạo được sự quan tâm của khán giả cũng như những người trong nghề.
Bão tố Trường Sơn (Nhà hát Kịch VN; tác giả: Trương Minh Phương; đạo diễn: NSND Anh Tú), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội; tác giả: TS-NSƯT Lê Mạnh Hùng; đạo diễn: NSND Lê Hùng), Tiếng giày đêm (Công ty TNHH giải trí Hero Film; tác giả: Lê Chí Trung; đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc)… cũng là những vở có thiết kế sân khấu đẹp và hiệu quả, nêu bật được những chủ đề tư tưởng của vở diễn.
Chạm vào cảm xúc người xem
“Theo tôi, một vở diễn thành công là vở đó có chạm được vào trái tim, cảm xúc của người xem hay không. Và thực sự một số vở dự liên hoan đã làm được điều đó. Ví dụ trong Gương mặt kẻ khác có những tuyên ngôn rất hay nhưng được lồng ghép vào một câu chuyện dễ đi vào lòng người xem...”, đạo diễn Huỳnh Tấn Phát nhận xét.
Gương mặt kẻ khác (Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần; tác giả: Bích Ngân; đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) thực sự là một vở dự thi có “khẩu vị” lạ tại liên hoan. Một người đàn ông bị tai nạn giao thông làm biến dạng hoàn toàn gương mặt, anh được một bác sĩ tài ba cứu chữa. Vị bác sĩ ấy lại là chồng của người yêu cũ của anh ta. Khi phát hiện ra vợ và bệnh nhân của mình vẫn còn tình cảm với nhau, bác sĩ (vốn biết mình có bệnh không còn sống bao lâu) đã tái tạo cho người yêu cũ của vợ một gương mặt giống hệt mình. Cuộc sống của đôi tình nhân sau khi vị bác sĩ mất đi là một sự đọa đày về tâm lý khi người đàn ông phải luôn mang gương mặt của người chồng cũ, còn người vợ cứ mãi nhìn thấy hình ảnh của chồng mình dù đang sống với người tình... Với một kịch bản kịch tính, dàn dựng hiện đại, đặc biệt với lợi thế sân khấu nhỏ, biểu diễn không micro và gần khán giả, Gương mặt kẻ khác dễ dàng chinh phục cảm xúc người xem.
Hay như với Hiu hiu gió bấc, vở tạo được sự gần gũi khi nói về những câu chuyện tình người, tình đời, mối quan hệ giữa những con người rất đời thường. Đạo diễn Nguyễn Khắc Duy sau khi xem cũng khen tặng: “Một vở diễn đẹp duyên quê, đậm đà chất Nam bộ, thấm đẫm nước mắt và cả niềm hạnh phúc giản dị”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.