Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ cho biết khi tủy sống bị cắt đứt hoàn toàn, các tín hiệu điện từ não đến các bộ phận bên dưới sẽ gián đoạn dẫn đến tê liệt và thường không thể phục hồi. Nhưng chuỗi nơ-ron vận động của các bộ phận bên dưới thường vẫn còn nguyên vẹn.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hình ảnh cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính để lập bản đồ kích thước và cách bố trí các tế bào thần kinh trong tủy sống của 27 người, sau đó tạo ra một mô hình tiên đoán của tủy sống trung bình. Mô hình này đã giúp các bác sĩ định vị và đặt các điện cực của mô cấy vào đúng vị trí trên người nhận. Sau đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục tinh chỉnh dòng điện phù hợp với từng cá nhân.
Ba người bị liệt nửa người dưới do đứt hoàn toàn tủy sống đã tham gia cuộc nghiên cứu. Trong vòng một ngày sau khi kích hoạt thiết bị cấy ghép, cả ba đều phục hồi một số mức độ vận động nhất định bao gồm đi bộ trên máy chạy bộ có hỗ trợ trọng lượng. Sau đó họ cũng đã có thể đạp xe, ngồi xổm, chèo thuyền và sử dụng thiết bị để hướng dẫn cơ bắp của họ thông qua các chuyển động được lập trình trước.
Nhà thần kinh học Grégoire Courtine thuộc nhóm nghiên cứu cho biết nhóm hy vọng sẽ đơn giản hóa công nghệ để người dùng có thể điều khiển thiết bị cấy ghép thông qua điện thoại thông minh. Nghiên cứu, được đăng tải trên chuyên san Nature Medicine ngày 7.2, cũng đã nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ để thử nghiệm hệ thống này với nhiều người hơn tại Mỹ.
Bình luận (0)