Kịch thiếu nhi rộn rã mùa hè

21/05/2022 06:23 GMT+7

Các vở diễn thiếu nhi ngày càng cố gắng để đẹp mắt hơn về phục trang, thiết kế. Mùa diễn cũng kéo dài hơn.

Điểm hẹn 1.6 nối dài

Bà Hồng Nhung (thuộc Rose Media, nhà sản xuất vở Ông lão đánh cá và con cá mập) đang hồi hộp chờ đợt công diễn đầu tiên vào ngày 1 - 2.6. Bà đã đầu tư rất nhiều vào vở diễn với trang phục may mới hoàn toàn, từng bài hát cũng được đặt và có bản phối mới độc quyền. “Đợt công diễn đầu tiên vào ngày 1 - 2.6, tôi muốn vào đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi là thời điểm đẹp. Tuy nhiên ê kíp cũng muốn trong hè có thể tổ chức được 10 buổi diễn”, bà Nhung cho biết.

Trong khi đó, Bầy chim thiên nga của Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) đã bay tưng bừng từ nhiều ngày nay, bay xuyên 1.6 và dự kiến bay bền bỉ trong hè. Đây là vở nhạc kịch nhà hát dựng và tới giờ mới khai thác dày được do lịch diễn bị Covid-19 làm ảnh hưởng. Nhà hát Tuổi trẻ cũng có 2 vở nữa là Vaxilixa và phù thủy độc ác và Cuộc chiến virus.

Cảnh trong vở Húc - Cuộc chiến thuyền trưởng

Nhà hát cung cấp

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết: “Mùa hè năm nay, chúng tôi chủ trương diễn phục vụ các con vào các tối thứ bảy. Nghĩa là không phải ngày 1.6 hết là hết, mà sẽ kéo dài mùa diễn. Thay vì diễn vở người lớn vào tối thứ bảy thì nhà hát sẽ diễn cho thiếu nhi để bù đắp việc 2 năm rồi dịch các con phải học online suốt và ít được giải trí”.

Trong khi đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng diễn phục vụ Tết thiếu nhi từ trước ngày này, với 2 vở Ngọc rồng và Húc - Cuộc chiến thuyền trưởng. Hai vở diễn đều lấy cảm hứng từ những truyện tranh, phim hoạt hình, phim truyện được các em yêu thích. Thêm vào đó, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng có “món đặc biệt” đi kèm là… chú Xuân Bắc, chú Tự Long vốn là danh hài quen thuộc. Ông Tùng Linh, Trưởng phòng biểu diễn, Nhà hát Kịch Việt Nam, cho biết: “Đây là những vở diễn nhà Nhà hát kịch Việt Nam sản xuất và sau đó phối hợp với Galaxy để biểu diễn”.

Trong vé có yêu cầu khán giả nhí mặc trang phục trang trọng. Đó là cách tạo ra văn hóa của các con khi thưởng thức nghệ thuật. Nhiều chương trình, các con ăn mặc vô tư quá, thậm chí bố mẹ cho mặc trang phục ở nhà...

Bà Hồng Nhung (nhà sản xuất vở Ông lão đánh cá và con cá mập)

Điểm chung của các vở diễn thiếu nhi này là đều sẵn sàng chạy xuyên Tết thiếu nhi và phủ sóng toàn mùa hè. Về địa điểm biểu diễn, các nhà hát cũng đều sẵn sàng biểu diễn tại trụ sở của mình hoặc đi thuê địa điểm. Họ cũng không loại trừ khả năng diễn hợp đồng ở các địa điểm xa. Cả ông Tiến lẫn ông Linh đều chia sẻ các nhà hát diễn hợp đồng linh hoạt, ở đâu có khán giả là họ đến.

Đa dạng lứa tuổi, tư duy

Ông Nguyễn Sĩ Tiến nhận định các sản phẩm cho thiếu nhi ngày càng có độ phân định lứa tuổi rõ ràng hơn. Nhà hát Tuổi trẻ hiện vẫn đang tập trung ở phân khúc cho khán giả 5 - 10 tuổi. Ở phân khúc lớn hơn 15 - 17 tuổi, nhà hát đang có vở nhạc kịch Trại hoa vàng. “Sau này chúng tôi sẽ làm phân khúc 5 - 7 tuổi, là phân khúc đọc viết chưa thạo. Phân khúc này sẽ làm những vở sân khấu nhỏ. Việc chia phân khúc sẽ ngày càng rõ hơn: 5 - 7 tuổi, 8 - 12 tuổi, 12 - 15 tuổi, 15 - 17 tuổi”, ông Tiến nói.

Vở diễn Bầy chim thiên nga đang được diễn đều đặn

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến cũng cho biết, hiện nay phân khúc 5 - 7 tuổi đang gặp một chút khó khăn vì ghế trong rạp không tương thích do lưng ghế cao quá. Ông cho hay tới đây sẽ đầu tư kê thêm lớp đệm dày để các khán giả siêu nhí ngồi dễ hơn.

Dù có một số khó khăn về điểm diễn, bà Hồng Nhung vẫn lạc quan với Ông lão đánh cá và con cá mập. Nhà sản xuất này cho biết trong vé có yêu cầu khán giả nhí mặc trang phục trang trọng. “Đó là cách tạo ra văn hóa của các con khi thưởng thức nghệ thuật. Nhiều chương trình, các con ăn mặc vô tư quá, thậm chí bố mẹ cho mặc trang phục ở nhà. Các con mặc như thế không khác gì lúc gác chân ở nhà xem ti vi. Tôi muốn tạo các con nét văn hóa thưởng thức nghệ thuật, hòa mình vào chương trình, có tinh thần hứng thú hơn…”, bà Nhung nói.

Bộ lạc nanh trắng: gọn nhẹ và vui tươi

Vở Bộ lạc nanh trắng

H.K

Giữa tháng 5, sân khấu 5B (TP.HCM) ra mắt vở kịch thiếu nhi Bộ lạc nanh trắng (tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Huy Hoàng). Nhìn từ vở kịch này, thấy được một “lối đi” cho kịch thiếu nhi.

Bộ lạc nanh trắng không hoành tráng, mà rất gọn nhẹ, giản dị, tiết kiệm cảnh trí lẫn trang phục. Mọi thứ đều vừa đủ, để người làm bầu có thể “gánh” nổi trong thời buổi khó khăn này. Có lẽ đây là điều đầu tiên người làm bầu nghĩ đến khi đầu tư. Ngoại trừ sân khấu IDECAF luôn đầu tư hoành tráng cho kịch thiếu nhi, thì với cách làm của 5B mọi người mới đủ sức thực hiện.

Dù gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng vở diễn vẫn đủ đẹp, đủ lung linh kích thích óc tưởng tượng của các bé. Và vẫn có tính hài hước, vui nhộn, biết tạo những câu nói hoặc tình huống để tương tác với các bé, tạo không khí sôi nổi, nhiều bé chạy lên với diễn viên để hòa nhập vào câu chuyện, tăng thêm tính hấp dẫn. Thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên được thể hiện một cách sinh động, dễ tiếp nhận đối với lứa tuổi thiếu nhi.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.