Kịch thiếu nhi rộn ràng đón hè

31/05/2016 13:02 GMT+7

Hè đến cũng là lúc các sân khấu kịch tưng bừng sáng đèn chào đón khán giả nhí.

Hiện TP.HCM đã có khá nhiều vở kịch thiếu nhi công diễn, có thể kể đến như: Sân khấu Hồng Hạc với Thiên thần nhỏ của tôi (chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, biên kịch Việt Linh, đạo diễn Lan Phương), sân khấu Idecaf với chương trình Ngày xửa ngày xưa 29 - Bảo tàng quái vật (tác giả: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn), sân khấu Hồng Vân với Chú heo con biết bay (tác giả và đạo diễn: NSƯT Đức Hải, Nhà hát kịch TP.HCM cũng đồng thời trình diễn vở Thằng quỷ nhỏ Cô gái đến từ hôm qua phục vụ đối tượng tuổi teen, sân khấu Sao Minh Béo ra mắt vở kịch mới Alibaba và bốn mươi tên cướp (đạo diễn: Lê Sang) vào dịp 1.6, một kịch bản Minh Béo viết trước khi anh bị bắt tại Mỹ (sau đó sẽ diễn luân phiên cùng các vở thiếu nhi khác: Nàng tiên cá và phù thủy cá nóc, Cậu bé rừng xanh, Tây du ký vào chủ nhật hằng tuần, miễn phí vé cho các em từ 10 tuổi trở xuống). Tại Hà Nội, Nhà hát kịch VN có Đám cưới con gái chuột, Cải lão hoàn đồng; Nhà hát Tuổi Trẻ có nhạc kịch Ông ba bị, Cậu bé khổng lồ lạc vào hang kiến
Dẫu khó vẫn làm
Chỉ riêng TP.HCM, có hơn 10 sân khấu kịch, đó là chưa kể hàng loạt mô hình kịch cà phê khác, song chỉ có vài sân khấu “dám” đầu tư vào mảng kịch thiếu nhi, dù mỗi năm, họ chỉ làm kịch cho đối tượng này vào dịp hè hoặc tết Trung thu. Người trong nghề đều hiểu rằng, làm kịch cho thiếu nhi lỗ nhiều hơn lãi, hòa vốn đã là may. Vất vả cạnh tranh với những loại hình giải trí khác, thù lao không cao, thị hiếu khán giả khó nắm bắt, thiếu diễn viên, trang thiết bị hiện đại… là những khó khăn, thách thức với nhiều nghệ sĩ tâm huyết với thiếu nhi.
Đáng nói, kinh phí đầu tư một vở kịch thiếu nhi bao giờ cũng gấp đôi, gấp ba so với kịch người lớn. Các suất diễn hạn chế vì trẻ con khó đi xem được vào ban ngày và ngày trong tuần do vướng lịch học. Doanh thu thấp nên chi phí cho viết kịch bản, diễn viên cũng không cao. Chưa kể với điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của các rạp hát, để dàn dựng những tiết mục bắt mắt như bay lượn, nhào lộn trên không là bất khả thi. Không ít các nhà sản xuất đã “trắng tay” khi đầu tư kinh phí thực hiện kịch thiếu nhi. Và khó nhất vẫn là khâu kịch bản. Viết kịch bản cho thiếu nhi rất cực. Làm sao để thông qua nhân vật, người làm kịch có thể chuyển tải đến các em những thông điệp cuộc sống một cách nhẹ nhàng nhất mà không giáo điều hay khô cứng…
Nhưng với quyết tâm muốn làm, để các em có được một mùa hè tuổi thơ thật sự có ý nghĩa, một số sân khấu (kể trên) đã bỏ qua yếu tố lợi nhuận, chỉ cần đủ vốn để tái đầu tư cho những vở khác là được. Và, vẫn nhiều tên tuổi như nghệ sĩ Hữu Châu, Thành Lộc, Hồng Vân, đạo diễn Việt Linh, đạo diễn Đức Hải, Lan Phương, Lương Duyên, Tấn Phát… luôn đồng hành cùng các em nhỏ vào mỗi dịp hè đến. Và dù chỉ là người ở phía sau sân khấu, nhưng chính những bản dựng đầy sắc màu thần tiên, ngập tràn không khí sôi động hay ngôn ngữ đầy yêu thương và thấu hiểu “nỗi niềm” con trẻ (thể hiện qua lời thoại) đã mang đến cho các em một thế giới tuổi thơ ngập tràn niềm vui, mơ ước.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa - Bảo tàng quái vật của sân khấu Idecaf
Để không chỉ là mùa hè
Kịch cho thiếu nhi cũng như sân khấu kịch nói chung đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình giải trí khác và nguồn giải trí online. Đó là một trong những lý do khiến các sân khấu chỉ làm kịch thiếu nhi theo thời vụ. Vậy nhưng ngay cả khi vào hè, các em được nghỉ ngơi thì doanh thu từ kịch thiếu nhi cũng chưa chắc cao hơn kịch làm cho các đối tượng khác bởi các em là những khán giả không chủ động về nhu cầu thưởng thức cũng như kinh phí bỏ ra cho nhu cầu đó.
Song, cũng chính vì tình trạng cả năm chỉ có mùa hè nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả nhỏ tuổi rất lớn. Và cũng do tính chất mùa vụ, nhiều chương trình được dàn dựng sát ngày, không có kế hoạch sớm, thiếu thốn nguồn kịch bản lẫn diễn viên, dàn dựng vội vã… Không khó để bắt gặp cảnh chạy sô của các nghệ sĩ từ chương trình này sang chương trình khác trong cùng một ngày diễn. Đó là chưa kể, xem kịch thiếu nhi nhưng đa phần thấy diễn viên… người lớn.
Đầu tư cho thiếu nhi là đầu tư cho tương lai, cũng là nuôi dưỡng một lứa khán giả tiềm năng cho sân khấu kịch sau này. Thế nên, bên cạnh việc các đơn vị xã hội hóa “tự bơi” như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, nếu có chính sách hỗ trợ, trợ giá cho các đơn vị nghệ thuật đầu tư xây dựng sân khấu kịch cho thiếu nhi, cũng như góp phần thay đổi khung giá thù lao cho các nghệ sĩ tham gia vào các tác phẩm dành cho thiếu nhi, thì sân khấu kịch thiếu nhi mới hy vọng thoát khỏi tình trạng… gặt hái theo mùa vụ.
Còn đường mạo hiểm của Thiên thần nhỏ
Diễn viên kịch ngày nay rất thiếu, chưa nói diễn viên nhí. Vậy nên, thật đáng khích lệ khi sân khấu Hồng Hạc đã chọn con đường khó khăn đầy mạo hiểm: chọn ba bé Hà Mi (8 tuổi), Trọng Khang (12 tuổi, từng tạo ấn tượng với khán giả khi hóa thân vào vai Tường trong phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) và Thuận Hưng (12 tuổi) vào các vai chính của vở kịch Thiên thần nhỏ của tôi, trong khi “dàn” phụ toàn là những diễn viên rất “cứng” như Lan Phương, Huỳnh Trường Thịnh, Lương Mỹ… Trong suất diễn đầu tiên (21.5), khán phòng tại sân khấu Hồng Hạc (số 155bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đã vang lên những tràng pháo tay giòn giã tán thưởng các diễn viên nhí này! Bởi, các em đã thật vô tư, duyên dáng và diễn rất có hồn khi hóa thân vào các nhân vật vốn đã được yêu thích từ truyện Nguyễn Nhật Ánh, tạo được xúc cảm nơi người xem, đẩy lên cao trào đến mức một khán giả nhí phải thốt lên “có gì đâu mà vui” (khi xem cảnh một nhân vật nhí reo mừng vì sắp chặt bỏ hết cây trong vườn), hay khiến ai đó lặng lẽ lau những giọt nước mắt trong rạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.