Kiếm bạc tỉ nhờ trồng cúc kim cương theo kiểu 'không giống ai'

31/03/2016 13:50 GMT+7

Theo hướng đã chọn Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi, làng hoa Thái Phiên, P.12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc kim cương theo kiểu 'không giống ai' và đã thành công...

Theo hướng đã chọn Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi, làng hoa Thái Phiên, P.12, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) mạnh dạn đầu tư trồng hoa cúc kim cương theo kiểu 'không giống ai' và đã thành công...

Ông chủ Nguyễn Thanh Hải ở vườn cúc kim cương của mìnhÔng chủ Nguyễn Thanh Hải ở vườn cúc kim cương của mình
Nói “không giống ai” bởi lâu nay ở làng hoa Thái Phiên này nói riêng và xứ hoa Đà Lạt nói chung, không có nông dân nào chuyên canh riêng biệt một loại hoa cúc có tên gọi kim cương để phát triển kinh tế cả, mà thông thường họ xen canh loài này với các loại hoa cúc khác. Ấy vậy mà Nguyễn Thanh Hải đã “làm liều” chuyên canh loại hoa “khó tính” này và đã thành công khi mang lại doanh thu tiền tỉ cho gia đình mỗi năm. Biệt danh “Hải kim cương” cũng là mỹ từ mà mọi người thường hay dùng mỗi khi nhắc đến Hải.
Nguyễn Thanh Hải có thâm niên với nghề hoa cũng đã được 20 năm, nhưng từ năm 2006, Hải mới bắt đầu gắn bó với cây cúc kim cương này. Theo lời Hải kể, vì gia đình khó khăn, học hết lớp 11, anh phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Mãi đến năm 2005, khi lập gia đình với “vốn liếng” 1.000 m2 đất nông nghiệp, Hải tiếp tục đầu tư trồng hoa cúc các loại để mưu sinh.
“Quá trình này, tôi nhận thấy loài cúc vàng, hoa đơn có bông nở to như chén cơm (cúc kim cương) được thương lái chọn mua với giá cao hơn các loại cúc thường từ 2 - 3 lần. Thấy vậy tôi tìm hiểu, năm 2006 đầu tư nhà kính mua giống cấy mô loài cúc kim cương về trồng và đến năm 2010 tôi chính thức trồng đại trà loài hoa này và bỏ hết các loại cúc truyền thống khác có giá thấp mà thị trường ít ưa chuộng. Từ cây cúc kim cương này, tôi đã phát triển khu vườn của mình từ 1.000 m2 ban đầu lên 5.000 m2 nhà kính như ngày nay”, Hải cho hay.
Kim cương... bạc tỉ 1Từ khu nhà kính 1.000 m2 ban đầu đến nay Hải đã phát triển lên thành 5.000 m2
Hải cho biết thêm: “Ban đầu thấy mình chuyên canh loài hoa này, nhiều người lo lắng, ngay cả gia đình cũng can ngăn bảo làm từ từ, nhưng mình tự tin vì đã tìm hiểu kỹ, có kinh nghiệm, kỹ thuật nên quyết tâm làm. Quyết định của tôi đã đúng, nhiều năm qua chưa thua vụ nào cả, dù thị trường rộng mênh mông, giá cả đôi lúc có lên có xuống nhưng hoa của tôi chưa bao giờ bị ế phải đổ đồng cả”.
Theo Hải nhẩm tính, cứ 1.000 m2 trồng 50.000 cây, thu hoạch đạt khoảng 70%, tùy theo mùa, rẻ nhất cũng bán được 1.500 đồng/bông, còn lại bình thường từ 2.000 - 2.500 đồng/bông, mùa cao điểm lễ tết lên 3.500 đồng/bông; cây cúc kim cương trồng một năm 3 vụ, tính ra với 5.000 m2 chuyên canh cúc kim cương cũng mang lại doanh thu cho gia đình hơn 1 tỉ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 4 lao động tại địa phương.
Kim cương... bạc tỉ  2Mỗi năm vườn hoa kim cương đem lại nguồn thu nhập rất lớn cho Hải
Cũng theo Nguyễn Thanh Hải, lúc đầu trồng loài hoa này thấy cũng hơi khó chút, nhưng bây giờ thì quen rồi, mọi việc đơn giản hơn rất nhiều, ngay cả thị trường tiêu thụ cũng không lo bởi hoa đạt chất lượng tốt nên có bao nhiêu khách hàng mua hết bấy nhiêu, nhiều lúc không có đủ hàng để bán.
“Với cây cúc kim cương, quá trình làm đất cũng bình thường, chỉ để ý cải tạo đất thật tốt và thêm phân tro, bón lót đầy đủ, nước tưới cũng một ngày một lần và đến khi cây lớn thì 3 ngày tưới một lần. Quan trọng nhất là phải chọn cho được cây giống tốt và chú ý quy trình chăm sóc, khi trồng cây được 3 ngày là bắt đầu chong điện ban đêm trong suốt 50 ngày như vậy, đến khi cây ra nụ thì phải ngắt bỏ những nụ phụ, chỉ để lại một nụ chính cho cây phát triển. Hơn nữa phải lưu ý, cây đủ 2 tháng phải ngắt điện và giai đoạn này cây rất dễ mắc bệnh như bã trầu, mốc sương, rỉ sắt... nên cần có mặt thường xuyên để theo dõi phát hiện xử lý kịp thời”, Hải chia sẻ.
Kim cương... bạc tỉ 3 Làm ăn có hiệu quả nên Hải đang dự định đầu tư mua thêm đất để mở rộng sản xuất
Từ thành công này, năm nay Nguyễn Thanh Hải đang có dự định sẽ đầu tư mua thêm đất để mở rộng sản xuất, trồng cúc kim cương và giải quyết việc làm cho nhiều lao động hơn.
“Tôi cũng không có gì gọi là “giấu nghề” cả, tất cả mọi người, ai có nhu cầu đến vườn tham quan, học hỏi kỹ thuật tôi đều hoan nghênh và tận tình chỉ dẫn cả. Không chỉ họ đến tôi, mà ngay cả tôi hiện nay cũng cần học hỏi thêm kỹ thuật ở các nhà vườn khác, mỗi người đều có một kỹ thuật riêng, mình phải thường xuyên học hỏi chứ không thể nào biết hết được”, Nguyễn Thanh Hải tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.