Trong đó, có vốn từ những di sản ngàn năm để lại, cũng có cả vốn văn hóa rất trẻ từ những không gian văn hóa sáng tạo của địa phương. Từ những điểm mạnh, điểm yếu đó, từng thành phố sẽ biết mình nên làm hồ sơ ra sao và xa hơn, quan trọng hơn, là phát triển theo hướng nào.
Với Đà Lạt (Lâm Đồng), trong hồ sơ dự kiến sẽ không nói đến "Thành phố biệt thự" - cái tên mà nhiều nhà nghiên cứu kiến trúc vẫn gọi thành phố này. Hồ sơ chỉ nói đến thành phố trong rừng và rừng trong thành phố, điều mà giờ đây Đà Lạt vẫn đang gìn giữ. Hồ sơ cũng nói đến một bản đồ âm nhạc với những điểm đến trải nghiệm trong thành phố được số hóa để phục vụ du khách, người dân cũng như nhà đầu tư. Đà Lạt xác định mục tiêu thành phố sáng tạo về âm nhạc rất rõ.
Mặt khác, cũng như những hồ sơ khác mà UNESCO xét duyệt, hồ sơ về Mạng lưới thành phố sáng tạo luôn cần có những cam kết, kế hoạch phát triển liên quan đến danh hiệu. Nếu cam kết phát triển âm nhạc sẽ phải có hành lang pháp lý, có những dự án âm nhạc để sau này còn kiểm đếm mức độ thực thi. Trong kế hoạch, chương trình của Đà Lạt đã không đề cập việc giữ biệt thự. Trên thực tế, nhiều nhà nghiên cứu và cả công chúng cũng thấy rõ quỹ di sản biệt thự thời Pháp của Đà Lạt không còn được nguyên vẹn và xuất sắc như xưa. Thực tế đó không thể nói là vui được. Bù lại, nhiều không gian sáng tạo được nhắc tới như Phố bên đồi, Mây lang thang...
Thời gian tới, một loạt thành phố khác cũng sẽ làm hồ sơ, nộp hồ sơ tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo thông tin sơ bộ, Hội An (Quảng Nam) xây dựng hồ sơ dựa trên lĩnh vực thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian. Huế muốn trở thành thành phố sáng tạo lĩnh vực ẩm thực. Đà Nẵng muốn tham gia trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thông… Những nơi này có thể tham khảo bài học thực tế từ Hà Nội.
Hà Nội, thành phố sáng tạo đầu tiên tại VN, có vô số không gian sáng tạo khi làm hồ sơ. Các không gian này hỗ trợ rất nhiều cho thiết kế - lĩnh vực sáng tạo mà Hà Nội chọn trong hồ sơ. Nhưng đây cũng là nơi cho tới giờ không có một hành lang pháp lý nào cho không gian sáng tạo. Sau khi được công nhận, nhiều không gian đã không trụ nổi mà phải xóa đi, rời đi địa phương khác, hay đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bất cứ lúc nào vì bị cắt hợp đồng thuê địa điểm, buộc phải đóng thuế như doanh nghiệp… Điều này ảnh hưởng lớn tới sự phát triển sáng tạo vì các không gian này chính là hạt nhân phát triển cho mọi thành phố sáng tạo.
Chưa kể, sự giậm chân của hành lang pháp lý cũng cho thấy cả hệ thống chưa cùng vào cuộc bảo trợ sáng tạo quyết liệt. Có nghĩa là, đứng trước mỗi hồ sơ thành phố sáng tạo, quản lý nhà nước cũng sẽ phải đối diện với việc thay đổi văn hóa quản lý của mình, để văn hóa có thể "soi đường quốc dân đi".
Bình luận (0)