Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: Có không tình trạng thật, giả đều đạt?

30/03/2023 06:45 GMT+7

Từ năm 2012 luật Giáo dục ĐH quy định buộc các trường ĐH phải kiểm định chất lượng. Đến nay đã có hàng trăm cơ sở giáo dục và hơn 1.000 chương trình đào tạo được kiểm định. Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế cần thay đổi.

LÀM KHỐNG SỐ LIỆU, KÝ KHỐNG CÔNG VĂN, MƯỢN TRANG THIẾT BỊ

Nếu ví kiểm định như một kỳ thi, thì có những thí sinh "thi thật", có những thí sinh "thi giả". Thi giả nghĩa là mang tài liệu vào quay cóp, hoặc nhờ người thi hộ.

Đó là cách ví von dễ hiểu nhất mà tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, khi nói về kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD). Tiến sĩ Chính nhận định: "Có người trước khi đi thi đã học bài, ôn bài rất kỹ, tập trung thời gian và tâm sức để có được kiến thức vững vàng. Tuy nhiên cũng có những người muốn đậu mà không cần học, không cần bỏ thời gian và công sức. Trên thực tế, trong quá trình kiểm định, có những đơn vị làm khống số liệu, ký khống công văn, mượn trang thiết bị... Đi thi mà quay cóp hay nhờ người thi hộ thì giám thị có biết không? Theo tôi là biết hết. Vậy các đoàn kiểm định có biết không? Có, chỉ là có muốn "cho qua" hay không".

Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: Có không tình trạng  thật, giả đều đạt? - Ảnh 1.

Kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu bắt buộc với các cơ sở giáo dục ĐH để được quyền tự chủ, trong đó có tuyển sinh, mở ngành đào tạo

ĐÀO NGỌC THẠCH

Được biết, trong lịch sử hoạt động của mình, Trung tâm kiểm định của ĐH Quốc gia TP.HCM đã từng có 2 lần đánh giá không đạt cơ sở giáo dục ĐH do chưa đáp ứng được các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn kiểm định.

Theo tiến sĩ Chính, đạt được kiểm định sẽ giúp cho các cơ sở ĐH tăng uy tín, thu hút tuyển sinh. Đặc biệt kiểm định là điều kiện để được tự chủ, từ đó có thể tăng chỉ tiêu, tăng học phí. "Vì vậy, bên cạnh các trường mong muốn kiểm định để nâng cao chất lượng thực sự nên họ làm nghiêm túc bài bản và bền vững, thì vẫn có các trường coi kiểm định như "mục đích" chứ không phải "phương tiện", chạy đua kiểm định để đạt một mục đích khác, nên dùng cách đi tắt đón đầu", tiến sĩ Chính nhìn nhận.

Một kiểm định viên tại TP.HCM còn chỉ ra yếu tố "bao đậu" của một số trung tâm kiểm định: "Có cơ sở giáo dục ĐH khi kiểm định tại một trung tâm uy tín không đạt, đã tìm đến trung tâm khác thì đạt điểm rất cao!".

GS-TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia độc lập về kiểm định chất lượng giáo dục, cũng đánh giá: "Việc KĐCLGD là bắt buộc nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Tuy nhiên không thể phủ nhận là trong giai đoạn vừa qua, vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục ĐH coi mục tiêu đạt kiểm định là đích đến, nên triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng còn hình thức, đối phó nên không hiệu quả và không bền vững".

Điều kiện để được quyền tự chủ

Luật Giáo dục ĐH năm 2012 quy định cơ sở giáo dục ĐH phải triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH, tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự KĐCLGD.

Tại luật Sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018, một trong các điều kiện để cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ là công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, kết quả kiểm định, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và thông tin khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở giáo dục ĐH khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, bộ tiêu chuẩn kiểm định của VN cũng là bộ tiêu chuẩn từ Đông Nam Á và tương đương với thế giới.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng mức đạt ở mỗi tiêu chí là 4/7 và không yêu cầu phải đạt tất cả các tiêu chí. Với bộ tiêu chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục với 4 mục, 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí thì điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng mục cần đạt từ mức 3,5 điểm và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm. Với bộ tiêu chuẩn kiểm định chương trình đào tạo 11 tiêu chuẩn và 50 tiêu chí thì cần có ít nhất 80% số tiêu chí đạt yêu cầu, trong đó mỗi tiêu chuẩn có ít nhất 50% số tiêu chí đạt yêu cầu.

CHƯA CÓ CÁC CHẾ TÀI CỤ THỂ CƠ SỞ CHƯA THỰC HIỆN TỐT

Từ thực tế đó, GS-TS Đức cho rằng chỉ khi nào cơ sở giáo dục ĐH quán triệt và chủ trương thực hiện KĐCLGD là để nhận diện và tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực thực thi sứ mạng, năng lực phục vụ cộng đồng và năng lực cạnh tranh của mình thì KĐCLGD mới thể hiện được vai trò.

"Đấy cũng là trách nhiệm xã hội của các trường ĐH. Chỉ với nhu cầu tự thân thì ĐH mới phát triển, các giải pháp đưa ra mới có tâm và có tầm. Trên cơ sở đó, các trường không những cần quan tâm xây dựng mà còn tập trung đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, không chỉ giới hạn ở cấp thực thi và triển khai kế hoạch KĐCLGD hằng năm mà phải ở cấp chiến lược", GS-TS Đức nêu.

Tuy nhiên, việc cần nhất hiện nay, theo GS-TS Đức, là xây dựng "đội ngũ bác sĩ giáo dục" có chất lượng. "Trên thực tế số lượng kiểm định viên được đào tạo, tập huấn, cấp thẻ hành nghề không phải ít, nhưng số lượng kiểm định viên có năng lực tốt để tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ của các đoàn đánh giá ngoài chưa nhiều", ông Đức cho hay.

Bên cạnh đó, mặc dù lợi ích của việc thực hiện KĐCLGD đã hiện hữu, nhưng GS-TS Đức cho rằng vẫn chưa có các chế tài cụ thể đối với các cơ sở giáo dục ĐH chưa thực hiện tốt công tác KĐCLGD theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, hoặc không đạt chuẩn chất lượng.

Theo tiến sĩ Chính, sau hơn 10 năm đưa vào luật, KĐCLGD ĐH có nhiều điểm sáng khi có sự tham gia của các bên liên quan như giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động. Vẫn có tình trạng đối phó, hình thức, "thi giả", nhưng khi nhận thức của các bên liên quan về việc đảm bảo và nâng cao chất lượng là yếu tố cần thực chất, thì đến một lúc nào đó cơ sở giáo dục ĐH cũng không thể che giấu", tiến sĩ Chính nhìn nhận.

"Khi có những thông tin phản ánh về việc cơ sở giáo dục ĐH đưa số liệu khống, mượn trang thiết bị... khi kiểm định, thì cơ quan quản lý nhà nước cũng nên thanh kiểm tra, đồng thời có những đánh giá, hậu kiểm về các kết quả kiểm định", tiến sĩ Chính chia sẻ.

17 - 18% chương trình đào tạo được kiểm định

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, hiện có 187 trường ĐH đã được kiểm định cơ sở giáo dục (trong đó 182 trường được kiểm định trong nước, 5 trường được kiểm định quốc tế), trên tổng số hơn 235 trường trên toàn quốc, đạt 79,5%.

Bên cạnh đó, trong toàn hệ thống có khoảng hơn 6.000 chương trình đào tạo thì hiện có tổng cộng 1.067 chương trình đào tạo ĐH được kiểm định, đạt 17 - 18%.

Trong khi đó, Quyết định phê duyệt chương trình phát triển hệ thống đảm bảo KĐCLGD đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất và 70% đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ 2.

Bên cạnh đó, đến năm 2025 phải có 35% chương trình đào tạo được kiểm định và đến năm 2030 là 80%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.