Kiếm được... 15 USD nhờ phát minh máy ATM

05/05/2016 08:29 GMT+7

Cuộc sống đôi khi không công bằng. Mark Zuckerberg tạo ra Facebook và hiện có 48 tỉ USD, song ông James Goodfellow - người phát minh chiếc máy ATM giúp ích hàng triệu người - lại chỉ nhận về 15 USD.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày phát minh chiếc máy rút tiền, ông James Goodfellow chia sẻ với tờ The Guardian rằng ông chỉ nhận được 15 USD từ bằng sáng chế, và không có thêm một đồng nào kể từ đó.

“Bạn có thể tưởng tượng cảm giác của tôi khi nhìn thấy các nhân viên ngân hàng nhận thưởng 1 triệu bảng Anh. Tôi tự hỏi họ đã đóng góp gì hơn tôi cho ngành công nghiệp ngân hàng để nhận về 1 triệu bảng Anh tiền thưởng. Điều này không có ý nghĩa gì với tôi cả, nhưng đây là cách làm của cả thế giới”, ông Goodfellow chia sẻ.

Một điều khác làm Goodfellow phiền lòng đó là ông không được xem như một hình mẫu lý tưởng cho các nhà đầu tư và kỹ sư. Ông có phát minh mang tính đột phá, sản sinh ra vài ngành công nghiệp và tạo ra hàng tỉ bảng Anh, song ông “đã không có gì”. “Ai sẽ muốn đi theo con đường của James Goodfellow và nhận 15 USD nếu đạt được thành công tuyệt vời?”, ông Goodfellow trăn trở.

Trong khi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg có được một ghế trong danh sách những tỉ phú giàu nhất thế giới của Forbes, sở hữu danh mục đầu tư hàng triệu USD và nhà đất ở California, New York và Hawaii, ông Goodfellow vẫn sống trong một căn nhà có ba giường ngủ tại thị trấn Paisley (Scotland). Dù vậy, sự công nhận với ông còn quan trọng hơn cả tiền bạc.

Những năm qua, đã có nhiều tranh luận về việc ai sẽ là người đi vào lịch sử với danh hiệu “nhà phát minh máy ATM”. Năm 2005, một người đàn ông tên John Shepherd-Barron bước vào danh sách danh dự của dịch vụ ngân hàng với mác “nhà phát minh máy rút tiền tự động”. Song chính phủ Anh dứt khoát nói rằng chính ông Goodfellow mới là người phát minh máy ATM và vị trí của ông trong lịch sử giờ đây đã được đảm bảo.

Phát minh 15 USD của Goodfellow đến vào giữa thập niên 1960, khi ông là kỹ sư phát triển cho công ty Kelvin Hughes, một phần của hãng Smiths Industries. Ông được giao nhiệm vụ tạo ra cách giúp khách hàng rút tiền từ ngân hàng sau khi các nhà băng hết giờ làm việc vào thứ bảy.

“Đa số người dân làm việc trong tuần không thể đến ngân hàng. Họ cần giải pháp và giải pháp là một chiếc máy có thể phát hành tiền mặt theo yêu cầu cho một khách hàng được nhận diện. Tôi phát triển một máy phát hành tiền, và để nó có tính thực tế, tôi phát minh ra mã pin (mã số cá nhân) và thẻ mã hóa liên quan”, ông Goodfellow nhớ lại.

Ông nói thêm: “Khi khách hàng muốn rút một số giấy bạc từ hệ thống, anh ta chỉ cần chèn thẻ vào đầu đọc thẻ của hệ thống và thao tác trên bộ 10 nút, bấm mã số pin của mình”. Các thẻ ATM ngày đó chỉ khác ngày nay ở chỗ chúng được đục lỗ.

Sau khi Goodfellow chứng minh thành công phương pháp rút tiền của ông bằng cách sản xuất ra mô hình, những chiếc máy đầu tiên được lắp đặt tại Ngân hàng Westminster vào năm 1967.

Hiện có 3 triệu máy ATM trên toàn thế giới - Ảnh: Reuters

Cùng thời gian đó, Shepherd-Barron, người làm việc cho nhà sản xuất giấy bạc De La Rue, cho phát triển một thiết bị phân phát tiền khác. Ông Shepherd-Barron không sử dụng thẻ nhựa mà thay vào đó sử dụng tấm séc có carbon-14. Chiếc máy phát hiện carbon-14, kiểm tra với mã pin và cho ra tiền mặt.

Ba năm trước khi qua đời vào năm 2010, ông Shepherd-Barron trả lời phỏng vấn hãng tin BBC trong bài viết có tựa đề Người đàn ông phát minh ra máy rút tiền. Ông tiết lộ rằng ngân hàng Barclays đã nhanh chóng đồng ý với ý tưởng trên.

Chiếc máy ATM của Shepherd-Barron được xem là “đầu tiên trên thế giới” khi nói đến khía cạnh được cài đặt và được sử dụng đại trà tại một chi nhánh ngân hàng Barclays ở Enfield, phía bắc London (Anh) hôm 27.6.1967, một tháng trước khi chiếc máy của ông Goodfellow được công chúng biết đến. Tuy vậy, bằng sáng chế trao cho cỗ máy của ông Goodfellow ghi ngày 2.5.1966, 14 tháng trước khi máy ATM ở Enfield đi vào hoạt động.

Ông Shepherd-Barron hiện không còn sống để kể câu chuyện của mình, nhưng trong một bài phỏng vấn cho tờ The Guardian, ông nói: “Tôi không biết anh ta, nhưng sự khác biệt giữa Goodfellow và chúng tôi là cách chúng tôi nghĩ về toàn bộ hệ thống. Đây là điều quan trọng với ngân hàng đã mua nó. Phát minh của anh ta làm tôi liên tưởng đến tàu đệm khí, một thất bại thanh lịch”.

Hiện có 3 triệu chiếc ATM trên toàn cầu và con số này được dự báo lên đến 4 triệu vào năm 2020, theo hãng tư vấn và nghiên cứu RBR.

Goodfellow cho biết ông không phát minh ra khái niệm máy rút tiền, song ông là người phát minh ra cách làm điều đó. Bộ Nội vụ Anh vừa chính thức công nhận thành tích của ông trong ấn bản sách hướng dẫn 180 trang mới nhất với tên gọi Cuộc sống ở Vương quốc Anh. Ông có tên trong phần nói về “các phát minh vĩ đại nhất của Anh quốc thế kỷ 20”.

Trở lại năm 1960, ông Goodfellow nhớ lại: “Thù lao là 15 USD. Tôi đã phải làm đơn xin cấp bằng sáng chế ở 15 nước, và lệ phí chuẩn cho một chữ ký trên bằng sáng chế là 1 USD”, ông nói. Goodfellow rời hãng Kelvin Hughes sau đó, đầu quân cho IBM và làm việc ở đây 26 năm qua.

Khi được hỏi ông đã làm gì với 15 USD, ông nói mình đã chi nó cho một đêm đi chơi vui vẻ: “Nó không thay đổi cuộc sống của tôi. Nhưng tôi rất hạnh phúc về công việc tôi làm”.  

Ngân hàng thu lợi 'khủng' từ phí dùng thẻ

Thẻ ngân hàng giờ đây đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người, nhưng ít người sử dụng thẻ để ý rằng một chiếc thẻ đang phải 'cõng' vài chục loại phí từ mức vài ngàn đến hàng trăm ngàn đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.