Muốn bài viết trở nên uy tín, muốn "tẩy trắng", dìm những lời chê, trách móc, bóc phốt những bài đăng của mình trên mạng xã hội… người nổi tiếng hoặc các nhãn hàng, cá nhân khác chỉ cần bỏ tiền ra cho chiến dịch seeding.
Công việc tốn ít thời gian được trả mức thù lao lớn
Theo Trương Thị Ánh (30 tuổi, ngụ tại P.9, Q.10, TP.HCM), chuyên viên digital marketing (tiếp thị số) có 10 năm kinh nghiệm, seeding (gieo mầm) được hiểu nôm na là dịch vụ định hướng và bảo vệ thương hiệu trên không gian mạng. Người làm việc trong mảng dịch vụ này được gọi là seeder (người gieo mầm).
Nói cách khác, seeder là những người giấu mặt, lái dư luận của cộng đồng theo một chiều hướng tốt cho nhãn hàng, cá nhân hoặc một tổ chức nào đó. Thuật ngữ này đã có từ những năm 2000.
Ánh là chuyên viên marketing cho một công ty lớn tại TP.HCM. Hằng ngày cô làm việc 10-12 tiếng tại văn phòng, nhưng vẫn vận hành được một nhóm seeder 5 người phân phối nội dung seeding trên khắp các nền tảng. Nhóm của Ánh có những người ở đủ ngành nghề nhưng đều ở độ tuổi khoảng 25.
"Từ báo chí, mạng xã hội đến các diễn đàn, bất kỳ nền tảng nào có thể tương tác và PR cho khách, hằng ngày mình chỉ cần 2-3 tiếng là đã điều phối được nhóm làm", Ánh nói. Cô cũng là người sớm tham gia hoạt động seeding từ năm 2015.
Ánh chia sẻ cô gia nhập công việc seeding từ khi là sinh viên năm cuối của Trường ĐH Văn Lang. Năm 2015, người bạn của Ánh tham gia một cuộc thi âm nhạc và nhờ Ánh tạo nhiều tài khoản mạng xã hội để bình luận và tương tác với các bài viết. Vì không có sẵn nhiều tài khoản, Ánh đã đăng bài tìm người và dịch vụ tương tác. Ngay khi đó, có một số người nhắn tin chào mời dịch vụ seeding.
Sau khi biết các nhóm này cũng đang cần người biết viết lách với thù lao khoảng 300.000 đồng cho một giờ làm việc, gấp 10 lần công việc phục vụ quán ăn, Ánh đã mạnh dạn xin theo học và làm việc. Theo Ánh, đến nay đã có rất nhiều người lập nhóm seeding, chỉ cần có khả năng viết lách và có một chiếc máy tính là có thể làm việc.
Ánh nhớ lại, để có khách, khi mới tự làm riêng, Ánh viết nhiều bài trên các diễn đàn để khẳng định khả năng viết lách của mình. Sau đó, Ánh tự seeding vào trong những bài viết đó với những lời khen có cánh, như: "Kỹ năng viết của chị tốt quá" hay "Tôi cần thuê bạn viết bài". Từ những bình luận ảo, sau 3 tháng, Ánh đã bắt đầu có những khách hàng thật và phát triển dịch vụ seeding của mình.
Công việc chủ yếu của Ánh là tiếp nhận thông tin cá nhân hoặc sản phẩm, tiếp nhận nội dung, tập hợp nhóm seeder, viết nội dung seeding theo yêu cầu của khách và phân phối đúng vị trí. Mỗi nền tảng và hình thức seeding sẽ có những mức giá khác nhau dao động từ 15.000-50.000 đồng/bình luận, 200.000-500.000 đồng/bài viết tại các nhóm và diễn đàn.
Ánh cho biết với kỹ năng thông thường, tốc độ viết của các thành viên trong nhóm là 30 phút/bài 800 chữ. Cũng trong thời gian đó, họ có thể tạo ra 300 comment (bình luận) bám sát nội dung khách hàng yêu cầu. Trong 30 phút, nhóm 5 người có thể kiếm được 10 triệu đồng. Mỗi ngày làm đều đặn 30 phút, họ đã có thể kiếm được đến 300 triệu đồng/tháng, chia đều cho cả nhóm.
"Đồng nghiệp khác đi ăn trưa vào là mình đã xong việc. Buổi trưa mình chỉ cần 10 phút để ăn", Vũ Hoàng Ngân (26 tuổi, P.Thanh Xuân Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), một thành viên trong nhóm của Ánh, chia sẻ.
Chỉ cần một buổi nghỉ trưa ngắn ngủi, cùng một chiếc máy tính, Hoàng Ngân đã có thể kiếm thêm được 30 triệu đồng/tháng. "Đó là trong những tháng ít khách hàng, hoặc khách hàng nhỏ lẻ. Còn nếu làm cho người nổi tiếng hoặc doanh nghiệp, con số đó có thể là gấp 10", Ngân kể. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, Ngân đã kiếm được 80 triệu đồng nhờ làm dịch vụ seeding.
Ngô Quốc Văn (29 tuổi, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một thành viên khác trong nhóm của Ánh, cho biết: "Mình seeding bằng phương pháp thủ công và có 120 tài khoản nuôi như tài khoản thật. Mỗi tài khoản từ 1000 - 3000 bạn bè. Đây là tài khoản sạch không chia sẻ thông tin rác, bài đăng có tương tác thật".
Theo Văn, nhiều khách hàng không nhắn tin mua hàng ngay, họ sẽ hỏi chất lượng (với những tài khoản ảo do Văn lập ra) rồi mới mua hàng. Tài khoản của Văn sử dụng là những tài khoản phụ của những người dùng có thật được ủy quyền lại cho nhóm seeding với cam kết không sử dụng vào mục đích trái pháp luật. Văn phải trả tiền để được sử dụng những tài khoản này.
Dễ mang họa nếu thiếu hiểu biết về nghề
Đinh Thế Hùng (30 tuổi, ngụ P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), một chuyên viên digital marketing, cho biết: "Để phát hiện bài viết seeding không khó. Đó đều là những tài khoản ít sử dụng, ít tương tác, không cập nhật ảnh đại diện. Bên cạnh đó, hầu như những comment, những bài seeding đều có nội dung na ná nhau, đều hướng về việc khen nhân vật, nhãn hàng hoặc đưa ra những bằng chứng giống nhau để tẩy trắng hoặc dìm người khác xuống".
Lê Thanh Dung (29 tuổi, ngụ P.11, Q.3, TP.HCM), chuyên viên digital marketing, nhận định hiện nay các kỹ thuật seeding đã mở rộng hơn, không chỉ là vài dòng bình luận nữa, mà là lập cộng đồng, PR trên page, mời người nổi tiếng… Song song với điều đó thì người dùng cũng thông minh hơn, chỉ cần đọc vài dòng là biết seeding. Khi khách hàng biết được sẽ cảm thấy mình bị lừa.
Khi thực hiện seeding, Ánh sẽ dành khoảng một ngày để xác minh nhãn hàng hoặc cá nhân. Trong hợp đồng làm việc có ghi rõ, nếu bài đăng PR của khách hàng được đăng tải ở những group hoặc diễn đàn có dấu hiệu sai phạm, Ánh có quyền ngưng làm việc và chỉ trả lại tối đa 10% giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, công việc này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. Không dưới 3 lần, nhóm của Ánh đã vô tình thực hiện seeding cho những nhãn hàng kém chất lượng. Có lần, khách của nhãn hàng tìm ra Ánh và yêu cầu bồi thường vì quảng bá sai sự thật. Cũng không ít lần các tài khoản của nhóm Ánh bị báo cáo vi phạm, bị khóa tài khoản, thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.
Theo luật sư Hoàng Sỹ Tiến (Đoàn luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu), pháp luật chưa cấm một người sử dụng nhiều tài khoản. Seeding đem đến thu nhập chính đáng, tuân thủ theo hiến pháp và pháp luật là một việc làm tốt và sáng tạo. Tuy nhiên có những người dùng nhiều tài khoản ảo để làm những việc vi phạm pháp luật có thể sẽ đem đến hậu quả rất nghiêm trọng.
Luật sư Hoàng Sỹ Tiến cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ kết hợp với lực lượng chức năng ban hành quy định xử phạt những tài khoản không xác minh danh tính trên mạng xã hội. Tài khoản mạng xã hội đều dẫn đến máy chủ của người dùng. Nếu vi phạm pháp luật, ngoài vấn đề có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại do mình gây ra.
Bình luận (0)