Theo đó, tê tê Java có tên khoa học là Manis javanica. Con tê tê Java được thả về Vườn quốc gia Bù Gia Mập lần này là vật chứng trong một vụ án hình sự. Tháng 12.2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.10 đã bàn giao con tê tê Java này cho Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn hỗ trợ nuôi, giữ. Đến ngày 18.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.10 đã ra quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức chuyển tê tê Java từ Công ty TNHH Thảo cầm viên Sài Gòn đến Chi cục Kiểm lâm TP.HCM để thả về môi trường tự nhiên.
Cùng được thả về Vườn quốc gia Bù Gia Mập đợt này là 4 con cu li nhỏ do người dân tự nguyện giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Cu li nhỏ tên khoa học là Nycticebus pygmaeus. Trong số này có một cặp con cu li nhỏ (gồm 1 đực và 1 cái) do chị Nguyễn Thị Thúy Nga (24 tuổi, ở Q.Bình Thạnh) tự nguyện giao vào tháng 5.2024.
Kiểm lâm thả tê tê vật chứng trong một vụ án hình sự về tự nhiên
Khi đó, chị Nga ra vườn nhà chặt tre. Khi cây tre bị chặt ngã, chị Nga phát hiện có 2 con vật nhỏ, không rõ con gì, đang đu bám trên cây tre, di chuyển khá chậm chạp.
Chị Nga đã bắt 2 con vật trên, nhốt vào chuồng. Qua tìm hiểu trên mạng biết được đây là động vật quý hiếm nên chị Nga báo cho công an địa phương và sau đó bàn giao cho kiểm lâm.
Vừa qua, đầu tháng 9.2024, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (tỉnh Đồng Nai) thả 10 loài với 27 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên.
Các loài động vật được thả gồm rùa răng, rùa ba gờ, rùa núi vàng, rùa hộp lưng đen, rùa đất lớn, trăn đất, kỳ đà vân, kỳ đà hoa, mèo rừng, khỉ đuôi lợn.
Số động vật hoang dã này chủ yếu do người dân tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM. Sau thời gian được chăm sóc sức khỏe, cứu hộ tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở H.Củ Chi, số động vật hoang dã trên được lực lượng chức năng thả về Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Trong số động vật hoang dã thả về tự nhiên có trăn đất nặng khoảng 50 kg.
Bình luận (0)