Kiểm soát chặt phim trên mạng, nhưng cần “mở” cho sáng tạo

05/06/2022 07:30 GMT+7

.

Không ít phim nước ngoài chiếu trên mạng và các nền tảng OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua internet) bị “lọt” bản đồ “đường lưỡi bò”, hay có nội dung sai lệch về chủ quyền biển đảo. Phim Việt có hình ảnh bạo lực, nhạy cảm tràn ngập trên YouTube.

Đến giờ, hậu kiểm gần như là giải pháp “chốt” với phim phổ biến trên mạng. Theo dự thảo luật Điện ảnh sửa đổi, chủ thể phổ biến phim trên mạng là cơ sở điện ảnh phải thực hiện tự phân loại phim trước khi phổ biến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả tự phân loại phim hoặc đề nghị Bộ VH-TT-DL phân loại; quy định đơn vị phát hành phim phải triển khai các giải pháp kỹ thuật, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gỡ bỏ, ngăn chặn phim vi phạm…

Phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của đạo diễn Phan Đăng Di chiếu trên kênh HBO

TIFF

Luật cũng quy định Bộ VH-TT-DL tổ chức nhân lực, phương tiện kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra nội dung phim, việc tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim phổ biến trên không gian mạng; phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm…

Thời gian qua, Cục Phát thanh - Truyền thình - Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã nhiều lần yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ những bộ phim có hình ảnh “đường lưỡi bò” vi phạm chủ quyền VN. Đây là giải pháp quản lý hiện thời, dù vậy, vẫn phải có biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Tuy nhiên, qua thực tiễn, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL), cho rằng có nhiều cái khó. “Chẳng hạn, như luật An ninh mạng đã yêu cầu cơ quan, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ trên không gian mạng phải đặt văn phòng đại diện tại VN, nhưng giữa luật và thực tế triển khai thực hiện có nhiều vấn đề, cần quá trình tương đối bền bỉ”.

Bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ tránh “lọt” những nội dung sai lệch, thì cũng cần tạo không gian mở cho sáng tạo. “Với riêng hình thái sản xuất và phát hành phim trực tuyến, nếu liên quan các công ty và hãng phim trong nước, tôi nghĩ có lẽ ai cũng sẽ chọn và chấp nhận việc phải hậu kiểm nếu cần, so với thông lệ tiền kiểm như với truyền thống trước giờ. Vấn đề là hậu kiểm như thế nào cho thực sự sát sườn đời sống làm nghề và sáng tác trong giai đoạn hiện nay của giới làm phim Việt”, chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước nhìn nhận và cho rằng giới làm nghề trong nước phải được đứng trong cuộc về những quyết định sống còn về luật liên quan. Ông Phước cho rằng có một thực tế: “Đối tượng người xem các cấp ở thị trường Việt, dù muốn dù không cũng đang bị động trong thế “cho gì ăn nấy” với câu chuyện kiểm duyệt hiện hành”.

Còn nhớ, bộ phim Chàng dâng cá, nàng ăn hoa của đạo diễn Phan Đăng Di, nằm trong loạt Truyền thuyết ẩm thực dài 8 tập do kênh HBO Asia đặt hàng sản xuất dù được chiếu nguyên vẹn ở những quốc gia khác, nhưng lại bị cắt vài phút những đoạn phim bị cho là nhạy cảm trên kênh HBO phát tại VN.

Đạo diễn Phan Đăng Di cho hay: “Tất cả các cảnh quay có phần nhạy cảm, hay hở đều được quay từ phía sau. Bởi tôi hiểu phim phát trên truyền hình không thể có những hình ảnh quá nhạy cảm”. Đạo diễn cũng bày tỏ: “Người trưởng thành có quyền xem. Nếu lo ngại quá, có thể làm mờ đi những cảnh cho rằng nhạy cảm, còn cắt phim là một điều tối kỵ”.

Theo ông Châu Quang Phước, luật Điện ảnh sửa đổi khi ban hành có thể “mở ngỏ khả năng song hành cùng diễn biến thật của đời sống, thông qua dư luận chung ở tại xứ, dù là từ các cơ quan báo chí hoặc là từ mạng xã hội”. Ông Phước ví dụ: “Như trường hợp MV There is no one at all của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt trên YouTube bị dư luận phản ứng mạnh về tính bạo lực cùng tinh thần tiêu cực, có thể ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ Việt, khi ấy Cục Nghệ thuật biểu diễn mới nên nhập cuộc xử lý hậu kiểm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.