Coi vắc xin là “vũ khí” để thực hiện chiến lược tấn công dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa đốc thúc các bộ, ngành phải tiếp cận mọi khả năng để sớm có đủ vắc xin, và không chỉ mua vắc xin mà phải mua cả công nghệ sản xuất vắc xin.
Đó là một trong những giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu lên khi kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19 diễn ra hôm qua (29.5). Phiên họp cũng được tổ chức trực tuyến tới các quận, huyện, thị xã có khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất, khu kinh tế.
|
Một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay các chuyên gia đã phát hiện chủng mới có sự lai tạo giữa biến chủng Ấn Độ và Anh. “Cụ thể là trên chủng Ấn Độ đã xuất hiện đột biến gien của chủng Anh”, ông Long nói.
Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, ngân sách nhà nước đã bố trí 13.400 tỉ đồng cho việc mua vắc xin phòng Covid-19. Trong tuần tới huy động được ngay 3.000 tỉ đồng từ Quỹ mua vắc xin phòng Covid-19, gồm 1.000 tỉ đồng đã được ủng hộ qua Bộ Y tế, 1.000 tỉ đồng qua Ủy ban MTTQ VN và các doanh nghiệp nhà nước cũng sẵn sàng đóng góp 1.000 tỉ đồng.
C.Hiếu - L.Châu - Th.Bình
|
Về việc thực hiện chiến lược vắc xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. “Cho tới nay, VN đã có ký kết, cam kết khoảng hơn 100 triệu liều vắc xin để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và đang nỗ lực để mua thêm 40 triệu liều để có thể thực hiện được mục tiêu đề ra”, ông Long nói.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, về tổng thể chúng ta đang kiểm soát được tình hình, nhưng cục bộ có một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, diễn biến ngày càng phức tạp hơn, khó kiểm soát như: Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và một phần nào đó ở Hà Nội. Thứ hai, đặc điểm biến chủng vi rút lần này nguy hiểm hơn, phức tạp hơn, gây bệnh nặng hơn và khó kiểm soát hơn. Thứ ba, dịch bệnh lây nhiễm từ cộng đồng sang KCN và từ KCN sang cộng đồng thông qua người lao động, thông qua công nhân; đặc biệt đã xuất hiện lây nhiễm trong các hoạt động đông người, hoạt động tôn giáo.
Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện chiến lược vắc xin là một trong những biện pháp tấn công dịch Covid-19 nên không thể chậm trễ, và “phải dùng mọi biện pháp từ ngoại giao, doanh nghiệp, Chính phủ, người dân... để tiếp cận mua”.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không chỉ vắc xin mà phải tiến hành mua công nghệ sản xuất vắc xin từ nước ngoài và giao Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc với ngành ngoại giao.
Ưu tiên phòng chống dịch trong KCN
Về nhiệm vụ, mục tiêu sắp tới, Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh mục tiêu đầu tiên là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, thì thứ hai là kiềm chế, đẩy lùi, kiểm soát, dập tắt dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM, các KCN.
Thủ tướng đến tỉnh Bắc Giang thị sát tình hình ứng phó dịchNgay sau cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch Covid-19, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đến tỉnh Bắc Giang để thị sát tình hình ứng phó dịch, làm việc với tỉnh Bắc Giang và động viên các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tỉnh. “Với tinh thần tất cả vì Bắc Giang, nhiều ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đều quan tâm đến Bắc Giang. Những đề xuất, đề nghị của tỉnh đều được các bộ, ngành liên quan nhất trí. Mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đặt chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trước hết và trên hết,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngay sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã tới thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang). TTXVN
|
Trực tiếp hơn, đối với địa bàn Bắc Ninh, Bắc Giang là những địa bàn công nghiệp, Thủ tướng giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công việc phòng, chống dịch, khôi phục lại sản xuất kinh doanh của hai tỉnh này. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm với phương châm “3 không”: không nói thiếu tiền, thiếu nguồn nhân lực, không nói thiếu thể chế và phương tiện vật chất, vật tư y tế, sinh phẩm, thuốc men… “Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành quyết định những vấn đề trong thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng, báo cáo Chính phủ xem xét”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)