Kiểm soát lãi suất nếu không sẽ tăng lại

01/07/2016 16:47 GMT+7

Đó là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa tại hội thảo 'Thích ứng nhanh với thay đổi' do Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tổ chức ngày 1.7 nhân kỷ niệm 20 năm thành lập MB phía nam, với hàng trăm doanh nghiệp tham dự.

Theo phân tích của ông Lê Xuân Nghĩa, lãi suất nếu không kiểm soát tốt sẽ tăng trở lại, bởi lạm phát có thể sẽ tăng khi giá các mặt hàng hóa đang có xu hướng tăng dù rằng mức độ chưa lớn như trước đây. Thị trường có lợi thế khi lãi suất trái phiếu, lãi suất từ Ngân hàng Nhà nước thấp.
Ông Nghĩa nhận định đây là yếu tố thuận lợi trong ngắn hạn để duy trì lãi suất thấp. Thế nhưng về dài hạn, dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít để giảm lãi suất. Muốn giảm lãi suất phải nới lỏng chính sách tiền tệ, muốn vậy phải có dư địa chính sách tiền tệ chứ không thể in tiền.
Lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ với nhau. Theo ông Lê Xuân Nghĩa dự trữ ngoại hối hiện nay ở vào khoảng 35 - 36 tỉ USD, tương đương 10 tuần xuất nhập khẩu. Với nguồn lực tài chính như hiện nay vẫn còn ở mức hạn hẹp. Trong thời gian qua, nhà nước đã mua vào 8,2 tỉ USD để tỷ giá, lãi suất ổn định, nếu không mua vào lượng ngoại tệ này, tỷ giá có thể về mức 20.000 đồng/USD, xuất khẩu chết dở.
Ngoài ra theo ông Lê Xuân Nghĩa, muốn duy trì lãi suất thấp phải xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Trong thời gian qua, chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp càng làm gia tăng thêm nợ xấu và đẩy doanh nghiệp đến tình trạng không đỡ nổi. Minh chứng là một doanh nghiệp cách đây vài năm nếu bán tài sản thì đã trả xong nợ ngân hàng 1.400 tỉ đồng. Nhưng chính sách “hàm ơn” gia hạn nợ thay vì cho doanh nghiệp phá sản, sau 3 năm số nợ mà doanh nghiệp này lên hơn 3.000 tỉ đồng, giá trị tài sản cũng chỉ còn 700 tỉ đồng. Cho doanh nghiệp “uống một liều thuốc độc cho đỡ khát” chỉ làm họ không đỡ nổi. Lãi dự thu trong hệ thống ngân hàng lên đến hàng chục tỉ đồng là do nợ không chuyển nhóm mà ra. Qua việc này cho thấy doanh nghiệp nào chết thì cho người ta chết, doanh nghiệp nào đáng nâng đỡ thì hỗ trợ.
Trong bối cảnh có những diễn biến trong và ngoài nước liên tục thay đổi, ông Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ phái sinh tài chính phòng ngừa rủi ro.
Đại diện MB cho biết trong năm 2016, lãi suất VND đạt mức thấp kỷ lục dưới 0,5%/năm và khả năng tiếp tục kéo dài. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng duy trì mức thấp do hệ thống ngân hàng thương mại đang dư thừa thanh khoản ngắn hạn. Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giữa các kỳ hạn rất thấp, đường cong lãi suất khá phẳng, diễn biến này hỗ trợ cho các diễn biến phái sinh ngắn hạn.
Một thông tin khác được ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ việc tái cấu trúc ngân hàng tốn rất nhiều tiền, thay đổi pháp lý, thời gian và nguồn lực. 5 năm qua, tái cấu trúc ngân hàng đã bước một bước ngắn, duy trì thanh khoản hoạt động ngân hàng bình thường, tạo điều kiện cho các ngân hàng sinh lời và ra tay xử lý các ngân hàng yếu kém. Thế nhưng vẫn còn khối nợ xấu khổng lồ, sở hữu chéo, lợi ích nhóm và toàn bộ các thể chế về hoạt động, an toàn hệ thống, rủi ro chưa tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế. 5 năm tới giải quyết các vấn đề này và NHNN đang xây dựng đề án trình Chính phủ, xấu thì nói xấu, tốt thì nói tốt, có tới đâu làm tới đó, khuyến khích các ngân hàng tự chịu trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.