Kiểm soát quyền lực

07/05/2018 04:55 GMT+7

“Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?".

Câu hỏi day dứt này của Tổng bí thư tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng đảng hôm 19.1, hy vọng sẽ có câu trả lời thấu đáo, khi Hội nghị T.Ư 7 khai mạc hôm nay, sẽ xem xét đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Trên cơ sở đó, Hội nghị T.Ư 7 dự kiến sẽ ban hành một nghị quyết về xây dựng và quản lý cán bộ đến năm 2030. Đây có thể nói là lần đầu tiên, T.Ư cụ thể hóa tầm quan trọng của việc phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, mà nòng cốt là cán bộ cấp chiến lược, thật sự trưởng thành.
Những tuyên bố về chống thoái hóa, biến chất trong Đảng liên tục được đưa ra; Việc liên tiếp các cán bộ cao cấp bị kỷ luật, nhiều người trong bộ máy thực thi và kiểm soát quyền lực bị bắt vì cáo buộc lạm dụng chức vụ quyền hạn, và bây giờ sẽ là một nghị quyết về công tác cán bộ, cho thấy rõ nét ý chí của Đảng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh. Bác Hồ đã từng nói: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Nhiều đại án được điều tra, truy tố, xét xử, trong đó đã xử lý, kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của nhà nước, tham ô, tham nhũng - kể cả những cán bộ cao cấp, chứng tỏ phần nào hiệu lực, hiệu quả kiểm soát quyền lực thời gian gần đây, nhưng cũng cho thấy thực tế còn nhiều lỗ hổng, nhiều khe hở trong công tác này suốt thời gian dài.
“Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi chạy chức, chạy quyền” là 1 trong 8 giải pháp sẽ được thảo luận trong Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tại Hội nghị T.Ư 7.
Về nguyên tắc thì bầu cử luôn là phương thức kiểm soát quyền lực khoa học và hiệu quả nhất. Vấn đề còn lại ở chỗ, bầu cử phải thực sự dân chủ, không hình thức. Quy trình bầu cử chủ yếu phải dựa vào nhân dân, coi trọng sự tín nhiệm của nhân dân chứ không đơn thuần chỉ là một hình thức hợp pháp hóa “quy trình” nhân sự của Đảng.
Tương tự như vậy, công tác cán bộ muốn tốt, người dân phải được giao quyền giám sát bằng cơ chế cụ thể. Hiểu một cách đơn giản là: người có quyền lực sẽ phải e dè, không dám lạm quyền nếu biết sẽ bị khiếu nại lên cấp cao hơn.
Dùng các nhóm lợi ích để giám sát lẫn nhau cũng là một phương thức các nước áp dụng để kiểm soát quyền lực.
Ông chủ tịch tỉnh ưu ái dự án cho một doanh nghiệp sân sau, nếu doanh nghiệp cạnh tranh có được cơ chế khiếu nại mà không sợ bị trả đũa, ắt họ sẽ lên tiếng. Một hãng thuốc tây thấy đối thủ đưa được thuốc vào bệnh viện không qua đấu thầu công khai sẽ đòi hỏi sự công bằng...
Chính sự giám sát ấy của người dân là “cái lồng” hiệu quả nhất để nhốt quyền lực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.