Kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ thiếu hiệu quả

06/09/2018 04:59 GMT+7

Các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng một trong những hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua là kiểm soát việc kê khai tài sản , thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn còn nhiều yếu kém.

Chiều 5.9, Ủy ban Tư pháp (UBTP) Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể lần thứ 11 để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.
Kê khai nhưng thiếu kiểm soát
Trình bày ý kiến nhóm nghiên cứu của UBTP về công tác PCTN trong năm 2018, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm UBTP, nhận định số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là 1.136.902, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 44 trường hợp được xác minh để phục vụ công tác cán bộ, bổ nhiệm, giảm 56,4% so với năm 2017. Đáng nói, kết quả xác minh có 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường hợp so với năm 2017.
Số vụ án tham nhũng tăng lên nhưng số người đứng đầu bị xử lý lại giảm đi là không hợp lý
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chủ nhiệm UBTP

Ông Cường cho hay, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật. Từ đó, nhóm nghiên cứu đánh giá, việc tổ chức thực hiện kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn nhiều yếu kém; pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực UBTP, đặt vấn đề qua xác minh chỉ 44 trường hợp nhưng đã phát hiện 6 trường hợp sai phạm, chiếm tỷ lệ 13,6%, "vậy với hơn 1,1 triệu người kê khai chưa xác minh thì tỷ lệ vi phạm sẽ lớn như thế nào?". Nhiều đại biểu cũng nêu vấn đề tương tự và cho rằng đây là việc mà công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng cần quan tâm.
Giải thích thêm về vấn đề này, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng 44 trường hợp tiến hành xác minh là các trường hợp có đủ căn cứ theo quy định của luật hiện hành. Do đó, không nên lấy tỷ lệ 6 trường hợp sai phạm trong 44 trường hợp được xác minh để đánh đồng cho tổng thể hơn 1,1 triệu người kê khai. Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP, cho biết những bất cập trong quy định của pháp luật liên quan các trường hợp phải xác minh kê khai tài sản sẽ được sửa đổi trong luật PCTN sửa đổi trình QH thời gian tới.
Xử lý người đứng đầu chưa quyết liệt
Liên quan tới các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết công tác cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực chưa phát huy hiệu quả, nhiều thủ tục hành chính chưa hợp lý nhưng mức độ cải thiện còn hạn chế, còn tình trạng "giấy phép con" trong một số thủ tục hành chính, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc còn diễn ra. Ông Cường cũng thẳng thắn chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc xử lý một số cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực còn chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận.
Ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên UBTP, nhắc lại vừa qua Bộ Tư pháp có thống kê các bộ, ngành ban hành hơn 5.600 văn bản trái luật và cho rằng: có những văn bản không trái luật nhưng lại gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, khiến người dân phải phụ thuộc vào cán bộ quản lý thì mới làm được, từ đó sinh ra tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực. “Vừa rồi, Chính phủ nỗ lực gây sức ép để các bộ, ngành cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Nhưng nếu chỉ cắt giảm thì tác động không lớn. Vấn đề của bộ máy hành chính là cần phải công khai, minh bạch, mẫu hóa các quy trình để người dân thực hiện”, ông Nghĩa đề xuất.
Đề cập tới vấn đề xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định công tác này tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án, vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử, xử lý thời gian qua. Theo ông Cường, báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2018 có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, giảm 10 người so với năm 2017. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Chính phủ thì số vụ việc tham nhũng năm 2018 bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ tăng 26,7%, qua thanh tra tăng 52,2%, qua giải quyết khiếu nại tố cáo tăng 100%, vụ án tham nhũng khởi tố mới là 232 vụ tăng 37 vụ… Số vụ án tham nhũng tăng lên nhưng số người đứng đầu bị xử lý lại giảm đi là không hợp lý.
Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên UBTP, cũng cho rằng nhiều vụ việc tham nhũng liên quan tới người đứng đầu nhưng không được xử lý. “Trách nhiệm của người đứng đầu là quản lý cán bộ dưới quyền. Không quản lý được thì phải chịu trách nhiệm. Đúng ra, khi cấp dưới sai phạm, anh phải tự nguyện từ chức vì đã để cơ quan mình xảy ra nhiều vấn đề phức tạp, gây phiền toái cho nhân dân”, ông Kim nói và đề nghị phải có biện pháp mạnh mẽ hơn với những người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.
 
Làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần là “rất nghiêm trọng”
Tại phiên họp toàn thể của UBTP QH sáng 5.9 tiếp tục bàn về công tác phòng chống tội phạm, ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP.Hà Nội, cho biết việc khởi tố 2 bác sĩ tại Bệnh viên Tâm thần T.Ư 1 về hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần vừa qua chỉ là một phần nhỏ. Theo ông Chính, công tác giám định tâm thần tại 63 tỉnh, còn những tồn tại và đề nghị các ban, ngành tố tụng xem xét lại công tác này. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UBTP, cho biết vấn đề làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần đã được UBTP cảnh báo từ năm 2013 và đề nghị Chính phủ xử lý. “Mới đây, Hà Nội mới phát hiện hơn 90 bệnh án tâm thần giả và đã khởi tố 2 bác sĩ nhưng khả năng vấn đề này không nằm ở Hà Nội”, bà Nga nói và đề nghị các cơ quan tư pháp phải kiểm tra, vì cho rằng đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
Cũng tại phiên họp buổi sáng, đề cập tới vụ án đánh bạc liên quan tới 2 tướng công an, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, không thể nói vụ án đánh bạc xảy ra tại Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an mà chỉ xảy ra tại một đơn vị là Công ty CNC (Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - PV) và chỉ liên quan trực tiếp tới trách nhiệm 2 cá nhân ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao), còn cán bộ sĩ quan cấp dưới gần như không biết. Ông Vương khẳng định, đây là vụ đau xót của lực lượng, nhưng nó cũng thể hiện sự cố gắng, tinh thần đấu tranh, dám giải quyết những vấn đề như vậy của ngành công an.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.