Kiểm soát 'tát giá' gây áp lực lên lạm phát

08/07/2023 06:37 GMT+7

Giá điện có thể sẽ lại tăng, lương đã tăng, giá một số mặt hàng cũng nhích lên... nếu không kiểm soát chặt tình trạng "tát nước theo mưa", tăng giá vô tội vạ sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.

Thang giá điện giảm xuống còn 5 bậc

Giá điện sinh hoạt theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ cấu giá bán lẻ điện đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến sẽ giảm từ 6 bậc xuống 5 bậc. Theo đó, giá điện các bậc thang từ 1-5 của dự thảo được tính bằng 90 - 180% giá bán lẻ điện bình quân 1.920,38 đồng/kWh, vừa được điều chỉnh tăng 3% ngày 4.5 vừa qua.

Kiểm soát 'tát giá' gây áp lực lên lạm phát - Ảnh 1.

Giá gạo, thịt heo đang tăng làm ảnh hưởng đến bữa cơm của người dân

N.N

So với dự thảo trước, dự thảo lấy ý kiến lần này không khác mấy, chỉ khác các bậc được cộng thêm sau giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%. Theo Bộ Công thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Trong đó, hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập do Thủ tướng quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, tương đương 30 kWh/tháng, tính theo mức giá bậc 1 hiện hành.

Trong thực tế, với biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc, ưu điểm là đơn giản hơn, nhưng nhược điểm là tiền điện các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện cao từ 711 kWh/tháng trở lên (chiếm khoảng 2% số hộ) phải trả tăng thêm. Các hộ gia đình đang trả tiền điện theo bậc 4, nay sẽ trả theo giá bậc 3 với mức giá cao hơn hoặc các hộ sử dụng điện trên 1.100 kWh/tháng sẽ phải trả số tiền điện cao hơn hiện tại.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá VN, ủng hộ biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt rút từ 6 bậc xuống 5 bậc. Đặc biệt, bậc dành cho hộ nghèo tính đến 100 kWh, thay vì 50 kWh hiện nay là hợp lý. Các bậc được tính toán theo tỷ trọng khách hàng sử dụng điện có thể chấp nhận được. Tức là vẫn chú trọng ưu tiên cho hộ nghèo, chính sách. Tuy vậy, tính toán cho thấy khoảng 7% hộ gia đình sẽ bị tăng giá điện nếu điều chỉnh theo 5 bậc lũy tiến này. Chênh lệch giá điện giữa các bậc đang tạo áp lực tiết kiệm điện thông qua người dùng điện.

"Vấn đề quan tâm hiện nay là Chính phủ cần kiểm soát chặt về giá cả các loại mặt hàng thực phẩm thiết yếu, phục vụ tiêu dùng hằng ngày. Tránh hiện tượng người bán lợi dụng việc tăng giá điện, tăng lương để rồi tăng giá bán hàng hóa vô lý", ông Thỏa khuyến cáo.

Kiểm soát 'tát giá' gây áp lực lên lạm phát - Ảnh 2.

Nhiều nghi vấn khi giá thịt heo tăng

Trong bối cảnh tiêu thụ thịt heo giảm sút, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang giảm, đặc biệt mặt bằng giá heo ở các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan cũng đang giảm, thì giá heo tại VN lại tăng. Đi chợ mỗi ngày để nấu đồ ăn bán hàng online, anh Bùi Hoàng Ân (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) nhận xét: "Tôi đi chợ đầu mối thì không tăng nhưng giá ở chợ lẻ thì tăng khá nhiều, có loại tăng 5.000 đồng/kg và có loại tăng đến 10.000 đồng/kg. Trong tình hình khó khăn hiện nay, thu nhập của người lao động không tăng thì phải chọn loại nào rẻ hơn mà mua".

Trong khi đó, đại diện truyền thông của Bách Hóa Xanh khẳng định giá thịt heo hiện nay của hệ thống cửa hàng tiêu dùng này vẫn giữ mức ổn định và không tăng. Mặc dù vậy, hơn 1 tháng nay giá heo hơi liên tục tăng trên cả nước, đến ngày 7.7 giá heo hơi bình quân trên cả nước đã tăng lên mức 61.400 đồng/kg.

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, tình hình chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm mặc dù gặp khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao, giá bán các loại sản phẩm không ổn định, lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm mạnh nhưng các loại sản phẩm vẫn tăng sản lượng. Ước tính tổng đàn heo của cả nước đến thời điểm cuối tháng 6 tăng khoảng 2,5% so với cùng thời điểm năm 2022; sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5%; tổng số gia cầm tăng khoảng 0,9%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1,041triệu tấn, tăng 4,8%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 9,1 tỉ quả, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Khó tác động đến lạm phát

Lương tăng, giá điện tăng, nhiều lo lắng thị trường sẽ nâng giá và thiết lập mặt bằng giá mới, tuy nhiên điều này khó xảy ra trong ngắn hạn. Dự báo lạm phát khó vượt mức 4,5%, thậm chí một số nghiên cứu cho thấy chỉ trên dưới 4%. Có như vậy Chính phủ mới dám tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhu cầu tiêu dùng trong 6 tháng qua vẫn có xu hướng giảm, quý 3, thậm chí quý 4/2023 vẫn được dự báo số lao động phổ thông mất việc làm tăng lên do đơn hàng doanh nghiệp chưa phục hồi kịp. Như vậy, chính sách kích cầu, hỗ trợ việc làm cho khu vực có thu nhập thấp rất quan trọng. Chính sách tăng lương cơ bản từ đầu tháng 7 mở ra kỳ vọng kích cầu thị trường nhưng chính sách cũng cần quan tâm kích cầu, tăng chi tiêu ở nhóm lao động tự do, thu nhập thấp đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

TS Nguyễn Quốc Việt (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách)

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lý giải: "Trong 2 năm khó khăn vừa qua nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đã ngưng tái đàn vì cạn vốn, trong khi đó lượng heo của các công ty chăn nuôi đang tăng lên. Nhìn trên bình diện chung thì sản lượng heo cả nước vẫn ở mức 26-28 triệu con, nhưng về tỷ lệ thì các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã chiếm đến 70-80%. Với tỷ lệ này thì nhiều khả năng giá heo hơi tăng nhanh trong một tháng qua là do các doanh nghiệp lợi dụng dịch bệnh để nâng giá, các chợ lẻ cũng điều chỉnh giá bán, còn thực tế lượng heo về chợ đầu mối TP.HCM vẫn bình ổn. Với mức giá này thì doanh nghiệp cũng như hộ chăn nuôi đã có lãi, nhưng khó có thể tăng cao hơn nữa vì thị trường đang ở giai đoạn thấp điểm tiêu thụ".

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (VCBS), trong giai đoạn từ năm 2016-2022, người dân VN có xu hướng chuyển sang tiêu thụ các loại thịt cao cấp hơn như thịt bò, gia cầm và hải sản, giảm tiêu thụ thịt heo. Tuy nhiên, dự báo VN sẽ đứng thứ 2 châu Á (sau Trung Quốc) về tiêu thụ thịt heo, với tốc độ tăng trưởng hằng năm là 3,1% trong giai đoạn 2022-2030. Fitch Solution cũng dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ thịt heo của VN trong giai đoạn 2018-2026 sẽ tăng 25%, khi đó mức tiêu thụ thịt heo bình quân ở VN là 31 kg/người. Vì vậy, giá thịt heo tăng sẽ tác động rất lớn đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến chỉ số CPI.

Trả lời Thanh Niên, ông Lê Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty Chăn nuôi CPV, cũng nhìn nhận: "Hiện nay thị trường tiêu thụ chưa khởi sắc, đối tượng sử dụng thịt heo nhiều nhất chính là các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhưng lượng tiêu dùng này đang bị giảm sút bởi suy giảm kinh tế. Sắp tới lại là thời điểm ăn chay của nhiều người, nên giá heo tăng cao trong thời điểm này mặc dù mang lại lợi nhuận khá cho người chăn nuôi nhưng khó có thể kéo dài được".

Theo ông Huy, giá heo hiện nay đã là khá cao so với các năm, vấn đề là làm sao giảm được giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, khi đó giá bán heo giảm xuống thì người chăn nuôi vẫn có lợi nhuận. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.