Kiếm tiền tỉ nhờ nuôi động vật hoang dã

05/12/2013 10:46 GMT+7

Sau hơn 4 năm thử nghiệm, anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt (ngụ xã Khánh Bình, H.An Phú, An Giang) đã gầy dựng được một trang trại nuôi động vật hoang dã quy mô lớn, thu nhập tiền tỉ mỗi năm.

Kiếm tiền tỉ nhờ nuôi động vật hoang dã
Chim trĩ đang là hướng đi mới của trang trại anh Việt - Ảnh: Nguyễn Huỳnh

Khởi đầu từ rắn hổ hèo

Trang trại nuôi động vật hoang dã Việt Hòa của anh Việt rộng khoảng 1.000 m2, dành nuôi 4 loài chính: rắn hổ hèo, rùa răng, kỳ đà và chim trĩ. Nói về những ngày đầu thành lập, anh Việt cho biết: “Giai đoạn 2008 - 2009, thấy các hộ dân ở H.An Phú phát triển mô hình nuôi rắn hổ hèo khá tốt nên tôi đã tìm hiểu và quyết định đầu tư cho nghề này. Thời gian đầu, nguồn giống chủ yếu được mua lẻ tẻ về nuôi thử. Khi rắn phát triển khá, đầu ra ổn định, tôi mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại với số vốn trên 100 triệu đồng để nhân rộng đàn rắn bố mẹ”.

Vào thời điểm đó, anh có trên 40 cặp rắn giống bố mẹ, cho sinh sản 2 lần/năm. Sau hơn 1 năm, anh Việt xuất bán trên 100 con rắn giống, với giá từ 550.000 - 650.000 đồng/kg. Anh chia sẻ: “Lúc đó, bà con ở các huyện Phú Tân, Chợ Mới và TX.Tân Châu liên tục đến đặt hàng nhưng trang trại không đủ nguồn cung”.

Nguồn thức ăn cho rắn hổ hèo chủ yếu là cóc, nhái, chuột... được anh thu mua tại địa phương. Rắn hổ hèo ăn khỏe, cộng với việc được chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật nên chỉ sau một thời gian ngắn, đàn rắn của anh Việt phát triển rất nhanh. Hiện trang trại của anh Việt có hơn 200 con rắn bố mẹ, 300 rắn lứa và nhiều rắn con. Mỗi năm bán ra thị trường vài tấn rắn con, rắn bố mẹ và rắn thương phẩm với mức giá bình quân hơn 500.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 1 tỉ đồng.

Mở rộng mô hình

Cuối năm 2011, được vài người bạn mách nước mô hình nuôi rùa răng (càng đước), anh Việt bắt đầu tìm nguồn giống về nuôi thử nghiệm. Sau vài tháng, anh gầy dựng được 15 cặp rùa bố mẹ; đồng thời đầu tư 4 bồn xi măng với hệ thống máng ăn chạy theo chiều ngang phủ đất, vừa làm nơi ăn vừa là chỗ cho rùa trú nắng mưa lúc lên cạn. Đàn rùa cái mang về khoảng 2 tháng sinh được hơn 70 trứng. Vận dụng kỹ thuật ấp trứng từ rắn hổ hèo, lứa đầu tiên anh cho ấp khoảng 80 ngày, đạt tỷ lệ thành công đến 70%. Lứa rùa con đó anh giữ lại để tiếp tục làm nguồn giống. Anh Việt cho biết: “Rùa chủ yếu ăn rau củ quả với chu kỳ ăn cách ngày nên nguồn thức ăn dễ kiếm và rẻ. Mỗi tuần nên thay nước để kiểm soát và hạn chế bệnh”. Với hơn 400 rùa con được mua với giá 350.000 đồng/con (50 gr) và 550.000 đồng/con (300 gr), cùng 200 con rùa bố mẹ, mỗi năm anh Việt thu về cả trăm triệu đồng.

Năm 2012, anh Việt còn mở rộng sang nuôi kỳ đà sau chuyến tham quan thực tế tại Bình Dương và TP.HCM. Ban đầu, anh nuôi thực nghiệm khoảng 50 con, sau khi nhân và mua thêm nguồn con giống, hiện trang trại anh Việt có 3 chuồng nuôi kỳ đà hơn 200 con. Với giá thương phẩm từ 300.000 - 380.000 đồng/kg (loại 4 - 6 kg/con), kỳ đà cho thu nhập không thua kém rắn hổ hèo, rùa răng. “Kỳ đà là loài động vật hoang dã nên sức chống chọi bệnh tật cao. Nếu ngay từ đầu biết phòng ngừa bệnh, tạo ra sức đề kháng thì khi lớn lên, kỳ đà sẽ phát triển tốt”, anh Việt nói. Bên cạnh đó, trang trại của anh Việt còn có cả chục chuồng chim trĩ và vài đôi chim công đang sinh sản.

Anh Việt cho biết rắn, rùa, kỳ đà… chủ yếu được bán cho các nhà hàng ở TP.HCM và một số thương lái thu mua chuyển hàng sang Trung Quốc. Chỉ riêng các nhà hàng ở TP.HCM đã không đủ nguồn cung nên đầu ra của các loại động vật hoang dã này rất đảm bảo.

Khi được hỏi về việc mạnh dạn phát triển trang trại, anh Việt bộc bạch: “Động vật hoang dã ngày càng hiếm do tình trạng săn bắt trái phép tràn lan. Tôi cố gắng gầy dựng, nhân nuôi để bảo tồn nguồn giống quý, đồng thời có thêm thu nhập cho gia đình”.

Nguyễn Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.