Trà Vinh là tỉnh có diện tích dừa đứng thứ 2 ở ĐBSCL với diện tích 23.698 ha. Tại H.Cầu Kè (Trà Vinh) được biết đến là thủ phủ dừa sáp của tỉnh với diện tích hiện nay khoảng hơn 1.000 ha, tập trung ở các xã Hòa Ân, Hòa Tân và TT.Cầu Kè với hơn 45.000 cây.
Dù thực tế không thể đoán định được cây dừa sáp sẽ cho tỷ lệ sáp cao hay thấp nhưng riêng anh Bé có thể điều chỉnh được tỷ lệ cho sáp cao gần như tuyệt đối. Nhờ chủ động sản xuất theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu, sau 9 năm, anh trở thành “tỉ phú dừa sáp” trên đất Trà Vinh.
Những quày dừa đạt trái sáp gần như tuyệt đối |
Tỷ lệ cho trái sáp gần như tuyệt đối
Dẫn chúng tôi ra vườn dừa sáp rộng 3 ha sum sê trái, anh Bé phấn khởi cho biết hiện anh sở hữu 600 gốc dừa sáp cấy phôi từ 2 - 8 năm tuổi. Mỗi cây dừa sáp cấy phôi cho trái đạt tỷ lệ gần như tuyệt đối, lên đến trên 97%, trong khi dừa sáp thông thường chỉ đạt khoảng 20%.
“Cây dừa sáp truyền thống có năng suất thấp, thông thường khoảng 2 - 3 trái trên một quày có sáp; còn lại cây chỉ cho ra những trái dừa bình thường”, anh Bé cho biết.
Để đạt được thành công như hiện tại, anh Bé cũng chật vật trong thời điểm đầu khởi nghiệp. Năm 2010, anh bắt đầu hành trình chinh phục cây dừa sáp quê nhà. Tuy nhiên, đối với trồng cây dừa sáp thông thường cho tỷ lệ thấp nên anh Bé tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng các nghiên cứu về cây dừa sáp với mong muốn nâng cao tỷ lệ cho trái sáp. Qua đó, anh biết đến kỹ thuật trồng dừa sáp cấy phôi, giúp tăng năng suất gấp 5 lần so với cách truyền thống. Thế nên, anh quyết tâm tìm hiểu, học hỏi.
“Dừa sáp thì trồng ở vùng đất này vẫn cho sáp, nhưng tỷ lệ rất thấp. Do cây dừa thụ phấn chéo nên trong một buồng dừa sáp thường chỉ có 2 - 3 trái có sáp. Tuy nhiên, đối với cây giống dừa sáp cấy phôi cho tỷ lệ trái sáp cao, chất lượng, đem lại lợi nhuận cao”, anh Bé nói.
Dừa sáp cấy phôi, giúp tăng năng suất gấp 5 lần so với cách truyền thống |
Thời điểm ban đầu anh gặp rất nhiều trở ngại do chưa tiếp cận, áp dụng được hết các tiến bộ khoa học của dừa sáp cấy phôi. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, dần dà anh đúc rút kinh nghiệm và kiên trì đạt được thành công.
Năm 2013, sau khi nắm vững phương pháp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, anh Bé đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây dừa này trên diện tích 3 ha. Sau 4 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch.
Với kỹ thuật trồng dừa sáp cấy phôi, anh Bé sử dụng phôi từ trái dừa sáp rồi nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng cho nảy mầm, đem ươm thành cây con.
“Thường bà con chỉ lấy từ quày dừa có trái sáp để ươm trồng thôi. Còn tôi thì lấy từ trái dừa sáp, lấy phôi rồi cấy lên, cho ra cây dừa sáp giống nên tỷ lệ cho trái sáp cao hơn”, anh Bé tiết lộ.
Quá trình sản xuất dừa sáp cấy phôi tốn nhiều thời gian, công sức. Từ lúc cấy phôi đến khi có thân, ra rễ mất khoảng 11 - 12 tháng. Sau đó, cây tiếp tục được thuần dưỡng trong môi trường tự nhiên khoảng 6 tháng rồi mới đem trồng. Khoảng 3 năm, cây sẽ cho lưỡi mèo, 4 năm có trái vụ đầu. Nếu chăm sóc kỹ, cứ 27 ngày cây có thể thu hoạch một đợt. Một năm, cây có thể cho thu hoạch đến 13 lần trong năm.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Theo anh Bé, bí quyết trồng thành công loại cây này là nên trồng cách nhau 7 m, mùa khô tưới nước thường xuyên để tránh rụng trái, thường xuyên kiểm tra vườn để xử lý kịp thời các bệnh thối đọt, bọ cánh cứng tấn công... Sau khi thu hoạch 3 đợt, tiến hành bón lót một lần phân hóa học, mỗi năm nên bón phân hữu cơ một lần.
Giống dừa sáp cấy phôi do anh Bé tạo ra, ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, còn thích ứng với biến đổi khí hậu tốt, cây có thể trồng ở các vùng cao hoặc vùng bị nhiễm mặn cho chất lượng sáp ổn định.
Dừa sáp cấy phôi ngoài ưu điểm tăng chất lượng sáp, còn thích ứng với biến đổi khí hậu tốt |
DUY TÂN |
Hiện anh Bé bán dừa sáp với giá từ 150.000 - 250.000 đồng/trái. Ngoài ra, anh còn chế biến đa dạng các sản phẩm từ dừa sáp như kẹo, mứt, kem… Nhờ đó đem lại thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm.
Để hỗ trợ cây giống chất lượng cho bà con địa phương phát triển kinh tế, anh Bé đã liên kết theo hình thức bán cây giống hợp đồng với giá 800.000 đồng/cây, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra.
Đánh giá về thị trường đầu ra của dừa sáp sắp tới, anh Bé cho rằng thị trường đầu ra của dừa sáp để ăn tươi vẫn chưa khai thác hết. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu, nguyên liệu làm mỹ phẩm, dược phẩm… vẫn chưa được đầu tư khai thác. Bởi thế, anh đang xây dựng xưởng và nhà máy chế biến chuyên sâu nhiều sản phẩm từ dừa sáp để bán số lượng lớn ra thị trường cả nước.
Lời khuyên dành cho người trồng, anh Bé tiết lộ tuy kỹ thuật trồng dừa sáp cấy phôi rất dễ, song nhà vườn cần phải chăm sóc kỹ hơn dừa thường, do cây giống giá rất cao. Nhà vườn nên tập trung quản lý bọ cánh cứng, bệnh thối đọt…
Anh Nguyễn Tân (30 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết dừa sáp là đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, phương pháp nhân giống truyền thống cho năng suất không ổn định. Bình quân, mỗi quày dừa chỉ cho tỷ lệ trái dừa sáp từ 20 - 30%. Với dừa sáp cấy phôi do anh Bé sản xuất khắc phục hạn chế này. Anh Tân cũng mua giống của anh Bé trồng thử nghiệm, cây cho tỷ lệ sáp vượt trội, gấp nhiều lần so với giống thông thường.
Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết tại Trà Vinh có 2 mô hình trồng dừa sáp cấy phôi quy mô lớn và hiệu quả, trong đó điển hình là mô hình của anh Bé. Với tỷ lệ cho sáp rất cao đem lại thu nhập cao và ổn định cho người trồng. Đây là mô hình tiên tiến, hiệu quả nhờ áp dụng phương pháp trồng dừa sáp từ nguồn giống nuôi cấy phôi, cho nguồn giống chất lượng; và là mô hình tiêu biểu của người trẻ khởi nghiệp từ chính đặc sản quê nhà. Mô hình có thể nhân rộng để người trẻ khởi nghiệp.
Bình luận (0)