Đây là lời khuyên của Giám đốc điều hành NVU - Nguyễn Ngọc Hưng dành cho các bạn trẻ muốn làm partner với YouTube.
Ảnh minh họa: Shutterstock |
Không dễ ngồi ăn xổi
P.L.C, một nhạc công ở Gò Vấp (TP.HCM), kể anh bắt đầu tạo kênh, trở thành "partner" (đối tác) và kiếm tiền trên YouTube từ đầu năm 2015. Thay vì tự sản xuất thì anh chàng chỉ chuyên săn các clip hài hước có sẵn trên internet, chỉnh sửa thông số âm thanh và hình ảnh rồi phát kèm những tựa đề “câu view”. Tiếp đó, anh bỏ 5 triệu đồng mua “bot”, nôm na là một phần mềm được lập trình để tăng view cho clip.
Không tiết lộ số tiền cụ thể thu được từ YouTube, P.LC. chỉ cười mỉm, bật mí: "Đủ tiền đổ xăng ô tô với tiền cà phê hằng tháng". Tới tháng 6.2015, kênh của chàng nhạc công này bị "chết" (khóa tài khoản) do nhiều lần bị báo vi phạm bản quyền. Tiếp tục đầu tư thêm một số kênh nữa, nhưng may mắn không lặp lại, rút cuộc, P.L.C. bị lỗ tiền mua "bot" và công sức "chăm sóc" kênh coi như bỏ sông, bỏ bể.
Cũng có định “làm chơi, ăn thật”, H.V.C., nhân viên một công ty truyền thông ở quận Phú Nhuận (TP.HCM), chỉ mất khoảng một tuần để nghiên cứu các điều khoản của YouTube, và tham khảo những bài viết, clip dạy cách “lách” kiểm duyệt bản quyền YouTube xuất hiện nhan nhản trên mạng.
Thỉnh thoảng mới đăng tải một clip, vậy mà mỗi tháng chàng trai trẻ cũng có thể kiếm được trên dưới 100 USD. “Tôi thường làm bằng cách chèn hình đại diện (thumbnail) lớn vào khung hình YouTube, chỉ để video chạy ở một góc nhỏ, giảm chất lượng âm thanh… để qua mắt thuật toán của YouTube. Cách làm này vẫn đang “lách” được nhưng chắc sẽ sớm bị vô hiệu hóa”, H.V.C. tiết lộ.
Trào lưu làm partner kiếm tiền trên YouTube ở Việt Nam xuất hiện khoảng những năm 2007, 2008, không lâu sau các nước Âu Mỹ - Ảnh minh họa: Shutterstock
|
Kiếm tiền trên YouTube có thể chia thành 2 cách: "content" (làm nội dung, tự sản xuất clip rồi đăng tải, bản quyền thuộc về mình) và "re-up" (lấy những clip có sẵn trên mạng về, chỉnh sửa rồi tải lên YouTube). Làm như P.L.C. và H.V.C. là "re-up". Đây cũng là cách làm được nhiều người lựa chọn vì làm nhanh, không tốn quá nhiều công sức mà dễ “trúng quả”.
Hay như theo cách nói của T.N.L (quận 2, TP.HCM), người được mệnh danh là “thánh” kiếm tiền từ YouTube ở Việt Nam khoảng cuối năm 2013, đầu năm 2014, thì làm re-up giống như “mỏ kim cương”, ai cũng có thể khai thác.
“Cho tới bây giờ tôi không nhớ được mình đã tạo bao nhiêu kênh YouTube, và đã bị “chết” bao nhiêu kênh. Nếu một kênh bị báo cáo vi phạm bản quyền nhiều lần, mình không gửi xác minh lại được cho YouTube, thì kênh sẽ bị “chết”. Có thời điểm tôi làm cả 100 kênh, tôi thuê cả người làm, kênh “chết” thì lại lập kênh mới. Làm re-up thì phải xác định kênh “chết” là chuyện bình thường, thậm chí có lúc tài khoản kênh đó đang có cả 100 triệu, chưa đến ngày rút tiền được thì kênh “chết”, mình vẫn phải chịu thôi”, T.N.L. kể.
Bên cạnh đó, còn có sự cạnh tranh “không hề nhẹ” giữa những partner YouTube ở Việt Nam làm theo kiểu re-up. Theo T.N.L., có rất nhiều kênh re-up “chết” vì bị các “bot” báo cáo vi phạm bản quyền.
“Bot” ở đây không giống như “bot” tăng view mà lại là phần mềm do người Việt phát triển để chơi xấu nhau. Người ta có thể dùng “bot” để cùng lúc báo cáo hàng loạt clip vi phạm bản quyền. Tìm cách diệt một kênh YouTube của đối thủ không chỉ vì “ghen ăn tức ở”, mà còn để tranh chấp chủ đề, từ khóa “hot”, đẩy clip của mình “lên top” (vị trí trên YouTube mà người dùng dễ nhìn thấy nhất)…
"Hãy kiên nhân như Leonardo DiCaprio”
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc điều hành NVU - đơn vị thứ 2 ở Việt Nam được Google cấp chứng chỉ công nhận là MCN (Multi – Channel Network: mạng lưới đa kênh) tại Việt Nam và trên thế giới, làm partner với YouTube có thể trở thành một nghề nếu các bạn trẻ có định hướng rõ ràng và nỗ lực.
|
“Đáng buồn là ở Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ partner YouTube chưa nhận thức được điều cơ bản nhất khi trở thành nhà cung cấp nội dung cho YouTube, đó là bản quyền. YouTube có các điều khoản cực kỳ chặt chẽ yêu cầu partner tuân thủ, và họ cũng liên tục thay đổi các thuật toán quét quản quyền để hạn chế mức tối đa các thủ thuật “lách” kiểu re-up của người dùng. Cách làm re-up “ăn xổi” không thể giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và kiếm tiền được lâu dài”, ông Hưng nói.
Chia sẻ về bí quyết để tạo ra một kênh YouTube thành công, ông Hưng nói: “Sản xuất nội dung trên online, mỗi cá nhân trở thành một nhà sản xuất, đang trở thành một xu hướng của tương lai. Bạn sẽ được thể hiện cá tính, tài năng của mình, và nếu những điều đó cuốn hút mọi người thì bạn sẽ thành công. Điều quan trọng nữa là bạn phải kiên trì. Không phải làm ra clip nào cũng đều thu hút người xem. Một, hai thậm chí đến vài chục clip ít view cũng là chuyện bình thường. Như anh chàng Leonardo DiCaprio dù rất xuất sắc nhưng cũng phải chờ 22 năm, sau 5 kỳ Oscar mới chạm tay được vào tượng vàng. Hãy tiếp tục nỗ lực và kiên nhẫn. Clip hay thì quảng cáo sẽ tự tới. Và bạn sẽ có một công việc độc lập, tự do, thu nhập cao với YouTube. Bạn cũng có thể trở thành những Vlogger, nhà làm phim rất có sức ảnh hưởng đến cộng đồng”.
Bình luận (0)