Kiếm tiền từ… rơm

24/04/2022 06:15 GMT+7

Không ít người trẻ kiếm thêm thu nhập cả chục triệu đồng/tháng nhờ đi ghe chở rơm.

Ngay chân đập Ba Lai thuộc xã Tân Xuân, H.Ba Tri (Bến Tre) là khu bến buôn bán rơm lâu năm trong vùng. Không khí luôn tấp nập, đặc biệt vào những tháng nắng (từ giữa tháng 5 đến tháng 12). Nhiều người trẻ ở đây đã kiếm được không ít tiền nhờ nghề này.

“Tháng chạy ngon lành lời được 20 - 30 triệu đồng”

8 giờ sáng, chiếc ghe lớn của anh Nguyễn Ngọc Giàu (28 tuổi, ngụ xã Bảo Thuận, H.Ba Tri) đã neo vào bến rơm. Trên ghe chất hàng trăm cuộn rơm khô màu vàng ươm thơm phức.

Đa số thương lái ở bến rơm đều là dân xứ dừa

Lữ Duy Tường

Anh Giàu cho hay trước đó ghe của anh chỉ chở thuê đồ đạc, máy móc… nhưng khi thấy việc buôn bán rơm mang lại thu nhập cao anh liền đổi nghề. “Tôi thấy buôn bán rơm kiếm cơm cũng ổn. Tháng chạy ngon lành lời được 20 - 30 triệu đồng”, anh bộc bạch.

Chàng trai 28 tuổi chia sẻ nhiều người thường đi ghe mua rơm ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang. Mỗi chuyến họ chở được nhiều nhất gần 2.000 cuộn rơm (mỗi cuộn nặng từ 15 - 18 kg), còn ghe của anh thì chở được 1.200 cuộn.

“Vào mùa nắng, cứ 3 ngày tôi chở được một chuyến ( 2 ngày đi - về và 1 ngày lấy rơm). Vào mùa mưa thì 5 - 7 ngày/chuyến. Hiện nay giá rơm đầu vào từ 18.000 - 20.000 đồng/cuộn, đầu ra 25.000 đồng - 28.000 đồng/cuộn. Nếu trừ hết chi phí đi lại, thuê bến đỗ, nhân công khiêng vác thì tôi lãi từ 5 - 7 triệu đồng/chuyến”, anh nói.

Anh Giàu cho hay làm nghề này mùa nắng rất khổ, còn mùa mưa thì mất thời gian đợi rơm khô, nhưng đầu vào và ra ổn định. “Làm riết rồi tôi cũng quen, không còn cảm giác ngứa với rơm. Khi nào có hàng người ta gọi sang lấy, lúc chở về thì có mối hết rồi, chỉ kêu người bốc vác đến nơi thôi”, anh Giàu nói.

Nhìn hàng chục chiếc ghe neo bờ, nô nức người đến khiêng vác và mua bán rơm là đủ hiểu việc anh Giàu không lo lắng với nghề mà anh theo đuổi là thực tế.

“Nhiều khi còn thiếu rơm để bán”, anh Minh Luân (29 tuổi, quê Ba Tri) ngồi gần đó cho hay.

Cách đây 2 năm, anh Luân làm thuê nghề biển, đánh bắt xa bờ rồi chuyển qua buôn bán rơm. “Tôi đã đầu tư gần 200 triệu đồng để mua ghe. Nó không quá lớn nhưng cũng chở được gần 1.200 cuộn rơm/chuyến”, anh chia sẻ.

Anh Luân cho hay: “Từ nhỏ tôi đã lênh đênh sông nước, việc lái ghe, thuyền đã quen nhưng khi chuyển từ chạy trên biển sang sông thì cũng gặp khó khăn. Luồng lạch ở sông khá nhỏ, trong khi ghe thì qua lại nhiều nên phải tránh và né dữ lắm. Vào mùa mưa tôi chỉ chở rơm được vài chuyến. Những ngày rảnh, tôi sửa ghe lại, đóng bố, che chắn kỹ rồi đi kiếm việc khác làm như phụ hồ, đóng mộc...”.

Những người khiêng rơm hầu hết đều còn trẻ

Chàng trai 9x cho biết thêm: “Để đậu được ở bến cũng phải trả chi phí, nếu ghe chở 1.200 cuộn thì trả 120.000 đồng, 2.000 cuộn mất 200.000 đồng. Việc chọn rơm tốt, chất lượng dựa vào kinh nghiệm theo nghề. Lúc đầu khi qua các tỉnh thành lấy rơm chưa quen, tôi thấy cuộn nào cũng lấy rồi về bị người mua chê. Thường rơm phải màu vàng óng hay trắng sáng mới là “ngon”. Những cuộn rơm thâm là bị ẩm mốc, chỉ để làm nấm chứ bò không ăn được. Mỗi cuộn nặng chừng 15 kg, bò ăn được vài ngày”.

Gấp đôi tiền làm phụ hồ

Sau khi những chiếc ghe chở rơm neo vào bến, nhiều trai tráng đua nhau khiêng vác lên xe công nông đợi sẵn, sau vài phút đã đầy hàng, cứ xe này ra thì xe khác vào, liên tục. Tiền công cho lao động này là 1.000 đồng/cuộn rơm. Theo quan sát, nhân công khiêng vác rơm đa số là thanh niên, độ tuổi từ 20 - 35.

Mồ hôi thấm đẫm chiếc áo thun, anh N.V.Tý (25 tuổi, ngụ H.Ba Tri) vẫn hì hục khiêng từng cuộn rơm. “Hầu như ngày nào tôi cũng làm, chỉ làm ít hay nhiều thôi. Nghề này có sức là mần được hết. Cao nhất tôi cũng kiếm được 600.000 đồng/ngày”, anh nói.

Anh Nguyễn Văn Trực (45 tuổi, ở Tân Xuân, Ba Tri), là người điều phối nhóm khiêng vác ở bến rơm này, cho hay nhóm anh có 12 thành viên.

“Hầu như ngày nào bến cũng có ghe hoạt động. Mỗi cuộn rơm được trả 1.000 đồng. Nếu ai theo xe chở rơm đến nơi mua luôn thì được trả 3.000 đồng”, anh Trực chia sẻ.

“Ở bến này việc khiêng vác phải theo quy định, không phải ai muốn vào làm là vào. Thường thu nhập trung bình của anh em trong nhóm khiêng vác gấp đôi tiền phụ hồ. Có người làm từ sáng đến chiều được cả triệu đồng, nhưng tôi không khuyến khích vì nếu khiêng vác nhiều quá thì không tốt cho sức khỏe”, anh Trực nói.

Anh Trực cho biết gần cống đập Ba Lai có 4 bến chợ rơm, bên kia sông là H.Bình Đại, Bến Tre cũng có một bến. Ngày nào cũng có ghe chở rơm về.

“Hơn 4 năm khiêng vác rơm ở bến, nhiều lúc tôi cũng muốn làm chủ bằng việc mua chiếc ghe. Nhưng thú thật không phải là thiếu tài chính mà là hiện tại công việc của tôi rất nhiều vì phải nuôi hơn 10 con bò, chăm vài vườn trái cây, còn lo cho gia đình nên sợ không đi xa được”, anh bộc bạch.

Anh Ngọc Châu (trái) theo nghề chở rơm hơn 3 năm nay

Vay tiền để mua ghe

Cô Nguyễn Thị Lệ (ngụ xã Tân Xuân, H.Ba Tri) cho hay con gái 34 tuổi của cô cũng đi chở rơm hơn 4 năm qua. “Ghe của con tôi chở hơn 2.000 cuộn rơm/chuyến. Mùa khô thì đi hơn chục chuyến. Nếu trừ đi chi phí dầu máy, ăn uống, thuê nhân công... thì lãi 10 - 12 triệu đồng/chuyến. Có những người tài chính hạn hẹp cũng đi vay tiền mua ghe. Làm nghề này dễ lắm. Người dân xứ Ba Tri này nuôi bò số lượng “khủng” nên luôn cần rơm, chỉ khó lúc đầu là tìm mối thôi”, cô Lệ nói.

Ông Nguyễn Hữu Học, Trưởng Phòng NN-PTNT H.Ba Tri, cho biết địa phương có đàn bò khá lớn với hơn 100.000 con. “Ngày nay ngoài việc mua rơm làm thức ăn cho bò, người dân Ba Tri còn mua rơm để dự trữ phòng khi nước biển xâm nhập không có rơm ảnh hưởng đến chăn nuôi”, ông Học nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.