Kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý tài nguyên nước sông Mê Kông

09/09/2021 15:38 GMT+7

Kết quả cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông vừa được thực hiện nửa đầu năm cho thấy còn nhiều bấp cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước.

Kết quả chung của cuộc kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Kông gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 9.9 cho thấy còn nhiều bấp cập, hạn chế.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết công tác thẩm định, cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước giai đoạn 2016-2020 chưa đảm bảo theo quy định của luật Tài nguyên nước 2012 và luật Bảo vệ môi trường 2014. Tình trạng xả nước thải vào nguồn nước đã có dấu hiệu ô nhiễm còn diễn ra, tuy nhiên chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị về biện pháp xử lý, giảm thiểu tác động trong quá trình thẩm định, cấp phép.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định, cấp giấy phép khai thác khoáng sản lòng sông tại một số địa phương chưa xem xét kỹ lưỡng đến khoảng cách tối thiểu so với đường bờ, phạm vi bảo vệ bờ sông; chưa rà soát, tính toán kỹ lưỡng trữ lượng mỏ, công suất, thời gian khai thác; chưa thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, gia cố đường bờ sạt lở sau khai thác; việc quản lý, giám sát khoáng sản tận thu trong quá trình xây dựng thủy điện tại lưu vực sông Mê Kông chưa chặt chẽ.

Nhiều ảnh hưởng tiêu cực

Những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước nói trên kết hợp với các yếu tố biến đổi khí hậu, sự gia tăng của việc khai thác, sử dụng nước tại các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông dẫn đến những tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới Việt Nam, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi sinh sống của hơn 17,3 triệu dân, cung cấp trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây của cả nước.
Cụ thể, số lượng nước sông Mê Kông từ thượng nguồn về ĐBSCL năm 2020 giảm 157 tỉ m3 so với năm 2011, cùng với đó lượng phù sa bùn cát năm 2020 cũng giảm tương ứng 14 triệu tấn so với năm 2017 (37%).
Tình trạng xâm nhập mặn gây thiệt hại đến khoảng 509.804 ha diện tích cây trồng, 486.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; trên 1,5 triệu ha đất bị suy thoái chất lượng do giảm độ phì; 2.158 vụ sạt lở thiệt hại ước tính gần 1.080 tỉ đồng…

Hạ nguồn sông Mê Kông liên tục bị ảnh hưởng và đối mặt nguy cơ mất an ninh nguồn nước với tình trạng gia tăng hạn hán, ngập mặn, sạt lở đất, triều cường…

Ảnh AFP

Trên cơ sở kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Mê Kông 1995 nghiên cứu, trao đổi tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đề xuất Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC), xây dựng các văn bản/hướng dẫn kỹ thuật về giám sát sử dụng nước (bao gồm chuyển nước) trên dòng nhánh; duy trì dòng chảy tối thiểu (trên dòng chính và dòng nhánh sông Mê Kông).
Đồng thời đề xuất xây dựng các điều khoản, chế tài cụ thể để giải quyết tranh chấp đối với các bất đồng giữa các quốc gia thành viên trong việc quản lý và sử dụng nước lưu vực sông Mê Kông cũng như thúc đẩy MRC thực hiện chuyển giao các hệ thống quan trắc (thủy sản, sức khỏe hệ sinh thái, phù sa bùn cát…) và các quốc gia thành viên đưa vào vận hành hiệu quả các hệ thống này, nhằm đảm bảo cơ sở dữ liệu cho quản lý tổng hợp tài nguyên nước trên toàn lưu vực sông Mê Kông.
Cuộc kiểm toán này có sự tham gia của Kiểm toán Thái Lan và Myanma, cùng sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Kiểm toán Malaysia, Indonesia, Ngân hàng thế giới.
Cuộc kiểm toán được triển khai tại 4 bộ, ngành T.Ư gồm Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và 12 tỉnh, thành phố thuộc lưu vực sông Mê Kông gồm: An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk từ ngày 3.3 đến ngày 29.4.2021.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.