Báo cáo công tác năm 2020, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Quang Thành cho hay trong năm 2020, KTNN đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 4.1.2021, tổng hợp kết quả xử lý tài chính mà KTNN thực hiện năm 2020 là 60.035 tỉ đồng, trong đó tăng thu cho ngân sách 4.965 tỉ đồng, giảm chi 13.836 tỉ đồng, kiến nghị khác là 41.234 tỉ đồng.
Qua kiểm toán, đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh nhiều tồn tại trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...
Tổng KTNN Hồ Đức Phớc cho biết thêm, trong năm qua, công tác kiểm toán môi trường cũng là điểm sáng của ngành. Bên cạnh các cuộc kiểm toán túi ni lông, kiểm toán khu công nghiệp thì đặc biệt là cuộc kiểm toán chung về sử dụng nguồn nước lưu vực sông Mê Kông cùng với cơ quan kiểm toán của Thái Lan và Myanmar là dấu ấn quan trọng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, khi đây là sáng kiến của kiểm toán Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao các kết quả năm qua của KTNN, không chỉ góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, dù KTNN là cơ quan độc lập, song cũng "cần phải phối hợp tốt với các cơ quan của Chính phủ, tư pháp”.
Bình luận (0)