Liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư dự án (DA) đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây, ngày 18.10, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, thông tin KTNN đã điều chỉnh những kiến nghị liên quan đến DA này.
Trước đó, ngày 28.7.2020, KTNN KV5 có báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý sử dụng vốn đầu tư DA nói trên tại Sở NN-PTNT Cà Mau. Sau đó, tỉnh Cà Mau có giải trình đối với nội dung kiến nghị của KTNT KV5. Như vậy, sau 3 năm tỉnh Cà Mau có giải trình, kiến nghị, đến nay, KTNN mới có điều chỉnh những kiến nghị liên quan đến DA đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây.
"KTNN chấp nhận nhiều nội dung giải trình, kiến nghị của tỉnh Cà Mau và giảm số tiền mà KTNN chỉ ra sai sót trước đây, còn mấy chục tỉ đồng", một nguồn tin cho biết thêm.
Nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện
Như Thanh Niên đã thông tin, KTNN KV5 đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện DA đầu tư xây dựng nâng cấp đê biển Tây với số tiền sai phạm phải thu hồi nộp ngân sách, giảm thanh toán và giảm giá trị hợp đồng gần 96 tỉ đồng.
Theo KTNN, năm 2010, UBND tỉnh Cà Mau quyết định phê duyệt DA đầu tư nâng cấp đê biển Tây, sau đó điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi. Khi công tác đo đạc bản đồ, kiểm kê giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn đã thực hiện xong thì mới điều chỉnh nên gây lãng phí hơn 25,4 tỉ đồng ngân sách. Trong phần rà phá bom mìn, nhiều diện tích không được rà phá nhưng đã thanh toán toàn bộ hơn 16 tỉ đồng.
KTNN dựa trên cơ sở ảnh vệ tinh và các báo cáo tiến độ thi công mà Ban quản lý DA báo cáo UBND tỉnh thể hiện vào thời điểm giá cát tăng đột biến năm 2017, các gói thầu 87, 88, 89 chưa thi công, nhưng hồ sơ nghiệm thu thanh toán lại thể hiện đã thi công, nghiệm thu đúng thời điểm giá cát đột biến tăng. Từ đó, 3 gói thầu này có tổng số tiền bù giá cát tăng thêm 11,8 tỉ đồng. Ban quản lý DA đã tự xác định giá trị sai ở phần giá cát này là 3,2 tỉ đồng và đã nộp khắc phục được 3 tỉ đồng.
Gói thầu 87 nghiệm thu sai khối lượng đất mua để đắp đê. Giá trị thực mua chưa đến 1,2 tỉ đồng, nhưng nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu 3,6 tỉ đồng. Đá gia cố lề ở 5 gói thầu bị phát hiện chưa được đầm chặt và mỏng hơn thiết kế. Thiết kế đá gia cố lề theo thiết kế là 29,6 cm nhưng thực tế chỉ đạt 12 cm.
Trong công tác quản lý chất lượng công trình, KTNN kết luận chủ đầu tư đã để xảy ra tình trạng nhà thầu thi công không đúng thiết kế, có thể ảnh hưởng đến tính an toàn đê và dân cư lân cận.
Trong lập dự toán mua thiết bị thi công, xác định đích danh đơn vị cung cấp là Công ty CP thương mại T.B. Sau đó, công ty này trúng thầu cung cấp 1 máy đào gầu 0,5 m3, 1 máy 0,3 m3 và một sà lan 100 tấn nhưng giá cao hơn thị trường 700 triệu đồng.
Thực hiện Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang (Chương trình 667), UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt DA nâng cấp đê biển Tây lần đầu tại Quyết định đầu tư số 1643/QĐ-UBND ngày 27.10.2010 với tổng mức đầu tư gần 922 tỉ đồng, do Viện Khoa học thủy lợi miền Nam lập, Sở KH-ĐT Cà Mau thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Quy mô DA được duyệt là đê biển đắp bằng đất, có chiều dài 108 km, cao trình đê +3 m, đảm bảo tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5% nhằm bảo vệ dân cư, sản xuất và ngăn mặn.
DA được điều chỉnh lần 1 tại Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 15.4.2013 của UBND tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư hơn 1.697 tỉ đồng. Quy mô điều chỉnh giảm 35,5 km đê biển (còn lại 72,5 km đê đắp bằng đất); bổ sung 72,5 km đường giao thông, 4 cầu giao thông và 8,6 km kè.
Điều chỉnh DA lần 2 tại Quyết định số 979/QĐ-UBND ngày 2.6.2017 của UBND tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư hơn 1.697 tỉ đồng (không thay đổi so với quy mô so với điều chỉnh lần 1), bổ sung thêm 7,55 km hạng mục kè; 0,94 km tuyến đê; 3 khu tái định cư.
Bình luận (0)