Kiểm toán Nhà nước: 'Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao'

02/07/2024 18:36 GMT+7

Thông qua kiểm toán Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra, giám sát, Kiểm toán Nhà nước cho biết: "một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống".

Chiều 2.7, Kiểm toán Nhà nước tổ chức họp báo công khai báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước năm 2022.

Tại báo cáo kiểm toán việc tổ chức thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (tháng 10.2023), về thực hiện chính sách tiền tệ, Kiểm toán Nhà nước cho biết: "một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống".

Kiểm toán Nhà nước: 'Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao'- Ảnh 1.

Ông Vũ Văn Cường, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, thông tin tại họp báo

GIA HÂN

Thông tin thêm về vấn đề này tại họp báo, ông Vũ Văn Cường, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII, cho hay, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, còn ngân hàng tư nhân thì không thực hiện kiểm toán.

Tuy nhiên, qua việc kiểm toán Ngân hàng Nhà nước, kiểm toán các cơ quan thanh tra, giám sát và các báo cáo của cơ quan thanh tra thì có nêu vấn đề một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng an toàn hệ thống.

Trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước phản ánh, thông qua kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước năm 2023 cho hay, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng. Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc phải cho vay hỗ trợ thanh khoản hoặc cho vay đặc biệt với khối luợng tiền lớn.

Đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, phuơng án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, gồm Ngân hàng Xây dựng (CB), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank), còn chậm, kéo dài qua nhiều năm phát sinh (từ năm 2015 đến nay).

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến nguồn lực dự kiến hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng do hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này lỗ liên tục (theo báo cáo dự kiến tổng quy mô khoản vay đặc biệt của 4 đơn vị là 168.000 tỉ đồng).

Vẫn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến tháng 8.2023, việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc nói trên mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp để chuyển giao bắt buộc. Cùng đó, 1 ngân hàng mới được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc.

Tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn. Cụ thể, nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng. Cùng đó, một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Kiểm toán Nhà nước: 'Một số ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao'- Ảnh 2.

Cuộc họp báo do Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung chủ trì

GIA HÂN

Ông Vũ Văn Cường cũng thông tin, ngay tại báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị đối với vấn đề này.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ngân hàng Nhà nuớc Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và Dong A Bank.

Đối với các ngân hàng thương mại tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp giám sát, can thiệp phù hợp, không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nuớc và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

Chính sách tiền tệ là một trong các nội dung của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 năm 2022 của Quốc hội.

Theo đó, Quốc hội yêu cầu điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.