Kiểm toán Nhà nước: Nhiều đơn vị chi nguồn cải cách tiền lương không đúng quy định

30/05/2024 16:29 GMT+7

Thực hiện kiểm toán quyết toán ngân sách 2022, Kiểm toán Nhà nước đánh giá nhiều cơ quan, đơn vị chưa trích lập, sử dụng nguồn cải cách tiền lương và chi không đúng quy định.

Chiều 30.5, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo Quốc hội quyết toán ngân sách 2022 của Chính phủ. Thu ngân sách năm nay đạt hơn 1,82 triệu tỉ đồng, vượt 406.902 tỉ so với dự toán giao.
Kiểm toán Nhà nước: Nhiều đơn vị chi nguồn cải cách tiền lương không đúng quy định- Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

GIA HÂN

Trong đó, thu nội địa vượt gần 23% dự toán giao; thu từ xuất nhập khẩu vượt 24%. Riêng thu thu dầu thô vượt 177% dự toán, do giá dầu tăng cao vượt 74,5% so với thời điểm lập dự toán và dự kiến sản lượng dầu của PVN thấp so với khả năng thực hiện.

Tuy vậy, còn một số khoản thu đạt thấp như thuế bảo vệ môi trường đạt 72,2% dự toán. Khoản thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước đạt 83,5% dự toán, do số thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế chỉ đạt gần 13% dự toán giao.

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, việc quản lý thu của các cơ quan thuế còn hạn chế, như cơ quan thuế chưa kiểm tra đủ các loại hồ sơ khai thuế với người nộp; chưa quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử với các hộ, cá nhân có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Riêng với xử lý thuế với khoản thu từ thuê, sử dụng đất, theo Kiểm toán Nhà nước, một số cơ quan quản lý chưa xử lý thu hồi đất thuê theo quy định với các trường hợp tổ chức cá nhân được Nhà nước cho thuê đất đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhiều năm.

Kiểm toán Nhà nước: Nhiều đơn vị chi nguồn cải cách tiền lương không đúng quy định- Ảnh 2.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn

GIA HÂN

Chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất; xác định giá đất hoặc vị trí thửa đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa phù hợp với quy định. Thậm chí, còn trường hợp miễn, giảm tiền thuê đất không đúng đối tượng; miễn tiền thuê đất vượt thời gian quy định; giảm tiền sử dụng đất không đúng quy định.

Về quản lý nợ thuế, tổng nợ thuế do cơ quan thuế quản lý (chưa gồm nợ dầu thô và nợ ngoài ngành thuế) đến 31.12.2022 tăng 36% so với năm 2021, đạt gần 158.915 tỉ đồng.

Đáng chú ý, theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các bộ chưa trích lập nguồn cải cách tiền lương, sử dụng nguồn này chi không đúng quy định. 8 trong số 60 địa phương báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại. 

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm dự toán năm sau số tiền gần 83 tỉ đồng từ nguồn chi chưa đúng này.

Ngoài ra, theo cơ quan kiểm toán, một số đơn vị của các địa phương chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa đúng quy định 3.200 tỉ đồng. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm dự toán năm sau tại 23 địa phương, là 1.847 tỉ đồng.

Tương tự, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng chỉ ra một số đơn vị của các bộ, địa phương chưa trích lập hoặc chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương; sử dụng nguồn này chi không đúng quy định. Việc theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương không chính xác.

Qua kiểm toán, một số địa phương chuyển nguồn kinh phí không phù hợp quy định 11.786 tỉ. Có 10 địa phương chuyển thiếu 12.665 tỉ nguồn cải cách tiền lương 2022 sang 2023 và một số nơi thiếu thủ tục khi chi chuyển nguồn.

Kiểm toán Nhà nước: Nhiều đơn vị chi nguồn cải cách tiền lương không đúng quy định- Ảnh 3.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội

GIA HÂN

Nêu báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách, cho biết số chi chuyển nguồn ngân sách T.Ư 2022 sang năm 2023 (sau khi trừ số chi chuyển nguồn cải cách tiền lương 134.159 tỉ đồng) vẫn là 245.117 tỉ đồng, xấp xỉ 85,3% số quyết toán bội chi ngân sách T.Ư.

Bên cạnh đó, một số địa phương chi chuyển nguồn rất lớn, xấp xỉ trên 70%. Đơn cử Thái Nguyên chuyển nguồn 11.799 tỉ đồng trong 15.544 tỉ đồng dự toán. Trong đó, nguồn tiền lương và theo lương là 8.030 tỉ. Tương tự, Bắc Giang chuyển nguồn gần 73% dự toán, riêng nguồn tiền lương là 3.723 tỉ đồng.

Đánh giá nguyên nhân, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, nhiều đơn vị dự toán chi ngân sách nhà nước không sát, dẫn đến một số khoản chi sự nghiệp thực hiện thấp so với dự toán giao.

Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan, đơn vị không chấp hành nghiêm việc lập ,chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách 2022 và có chế tài xử lý triệt để các tồn tại này. Kỷ luật, kỷ cương tài chính cần được thực hiện nghiêm để tránh lặp lại sai phạm kéo dài nhiều năm, tránh lãng phí, thất thoát.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.