Kiểm tra 4 xe phát hiện 3 'ma men': Chỉ nhấp môi, uống một hớp

24/01/2022 08:49 GMT+7

Không hợp tác khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, xử lý, nhiều "ma men" lấy lý do chỉ uống nhấp môi, uống một hớp,... và gọi người thân để xin bỏ qua nhưng bất thành.

Cận tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều công ty, doanh nghiệp, đơn vị,… tổ chức tổng kết, tất niên, tiệc tùng, cũng là lúc lực lượng CSGT căng mình ngăn chặn tai nạn, xử lý “ma men”.

Lực lượng CSGT tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn những ngày cận tết

trần cường

Thực hiện cao điểm đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, khoảng 19 giờ 30 ngày 23.1, Đội CSGT đường bộ số 6 (thuộc Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) lập chốt kiểm soát chuyên đề nồng độ cồn tại khu vực đường Văn Tiến Dũng (Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Dừng 4 phương tiện, CSGT phát hiện 3 tài xế vi phạm nồng độ cồn, 1 người để xe lại và bỏ đi

trần cường

Theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong ít phút, tổ công tác của Đội CSGT đường bộ số 6 đã dừng 3 xe máy, 1 ô tô để kiểm tra thì phát hiện 3 tài xế vi phạm nồng độ cồn, người còn lại lấy lý do đi vệ sinh rồi bỏ lại xe, đi mất.

Cận tết bị CSGT giam xe chỉ vì “nhấp môi” trong tiệc tất niên

Đặc biệt, các trường hợp bị dừng kiểm tra đều quanh co, không hợp tác. Có người vờ đi vệ sinh sau đó mới vào chấp hành kiểm tra nồng độ cồn; có người kiểm tra xác định vi phạm thì gọi điện thoại “cầu cứu” hết người này đến người khác, không chịu ký biên bản vi phạm. Đặc biệt, phần lớn “ma men” đều lấy lý do “chỉ uống một chén, nhấp môi…” để giải thích nhằm xin bỏ qua vi phạm.

Người vi phạm bỏ đi CSGT phải đưa quay lại làm việc

trần cường

Là người đầu tiên bị CSGT dừng kiểm tra, ông L.T.Đ (46 tuổi, trú tại TP.Hòa Bình, Hòa Bình) điều khiển xe máy mang biển số 29L1-009.XX vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,25 mg/l khí thở, bị lực lượng chức năng yêu cầu lập biên bản vi phạm.

Phải mất 1 tiếng mới hoàn tất kiểm tra, lập biên bản một người vi phạm

trần cường

Quá trình làm việc, ông Đ. lấy hết lý do đi vệ sinh, gọi người thân “trợ giúp”, thậm chí bỏ đi, lực lượng CSGT phải đưa về làm việc. Sau hơn 1 tiếng giải thích, vận động, ông Đ. mới ký biên bản.

Biện minh cho vi phạm của mình, ông Đ. cho biết, chiều 23.1, công ty ông tổ chức tất niên nên ông đã uống rượu.

“Công ty tất niên cuối năm, tôi chỉ nhấp môi với bạn bè xong về thôi. Trước khi đi nhậu tôi cũng có nghĩ đến việc sẽ bị CSGT kiểm tra xử lý nên đã rất chấp hành, nhưng vì tất niên nên phải nhấp môi”, ông Đ. nói và lững thững ra bắt xe về.

Lực lượng CSGT lập biên bản, xử lý người vi phạm nồng độ cồn

trần cường

Cùng vi phạm nồng độ cồn quá mức 0,25 mg/l khí thở, ông T.Q.T (47 tuổi, trú TX.Chí Linh, Hải Dương) vẫn dùng chiêu “câu giờ” để gọi người thân, “nổ” quan hệ, xin bỏ qua… khiến lực lượng CSGT phải mất hàng chục phút để giải quyết.

Tại chỗ, ông T. cho biết vừa dự tiệc sinh nhật về và chỉ uống một hớp bia, không hiểu sao lại vi phạm nồng độ cồn ở mức cao như vậy. Tuy nhiên, lực lượng CSGT cho biết mới dừng xe máy của ông T. để kiểm tra đã thấy nồng nặc mùi rượu. Ngoài vi phạm nồng độ cồn, ông T. còn không xuất trình được bằng lái và đăng ký xe.

Niêm phong, tạm giữ phương tiện

trần cường

Đại úy Trần Quang Đạt, tổ trưởng tổ công tác (thuộc Đội CSGT đường bộ số 6), cho biết người vi phạm thường lấy nhiều lý do để không hợp tác làm việc, thậm chí gọi cả người nhà để xin xỏ, tác động nhưng bất thành. Ngăn chặn được “ma men” sẽ góp phần hạn chế những tai nạn giao thông đáng tiếc.

Theo thống kê của Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ trong 1 tháng (từ 15.12.2021 đến 14.1), toàn quốc xảy ra 963 vụ tai nạn giao thông, làm chết 565 người, bị thương 599 người. Trong đó, 953 vụ tai nạn xảy ra trên đường bộ.

Lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã xử lý 240.551 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có 13.385 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Lực lượng CSGT nhận định những ngày cận tết người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ nhiều hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.