Kiểm tra các đơn vị sản xuất, mua bán hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn

31/03/2020 06:37 GMT+7

Cục Quản lý môi trường y tế ( Bộ Y tế ) thông báo danh sách các chế phẩm đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và đề nghị Sở Y tế rà soát các chế phẩm sát khuẩn tay đang lưu hành trên thị trường.

Trước tình trạng “loạn” nước rửa tay khô quảng cáo nhập nhèm, chưa kiểm định chất lượng, trả lời Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết từ tháng 2.2020, cơ quan này đã yêu cầu các sở y tế tăng cường quản lý cơ sở sản xuất, mua bán chế phẩm nước rửa tay.

Hậu quả tai hại khi mua nhầm nước rửa tay giả, kém chất lượng

Xử lý vi phạm các tổ chức chưa được cấp số đăng ký lưu hành

“Chúng tôi đã thông báo danh sách các chế phẩm được Cục Quản lý môi trường y tế cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam và đề nghị Sở Y tế rà soát các chế phẩm sát khuẩn tay đang lưu hành trên thị trường. Đồng thời, yêu cầu xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán chế phẩm chưa được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam”, bà Hương thông tin.
Mới đây, cơ quan này lại tiếp tục có văn bản gửi các sở y tế chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, mua bán hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trên địa bàn để phát hiện và kịp thời xử lý vi phạm.
Bà Hương cho hay: “Các chế phẩm diệt khuẩn trong và ngoài nước được đăng ký lưu hành phải bao gồm: tên thương mại, thành phần hoạt chất, tác dụng, số đăng ký lưu hành, tên đơn vị sản xuất, tên và thông tin liên hệ của đơn vị đăng ký và được Cục Quản lý môi trường y tế đăng tải trên trang thông tin điện tử của http://vihema.gov.vn. Các chế phẩm có hồ sơ đăng ký lưu hành không đảm bảo yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 91/2016/NĐ-CP của Chính phủ sẽ không được cấp số đăng ký lưu hành”.
Theo bà Hương, đối với các sản phẩm chưa đăng ký lưu hành, nhãn mác quảng cáo mập mờ, các địa phương có thể áp dụng xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm; Nghị định số 71/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, cuối tháng 2, Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố danh sách thu hồi phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn áp dụng trang thiết bị y tế loại A và sản xuất đối với chế phẩm diệt khuẩn tay không dùng nước. Tại quyết định này, có tổng cộng 48 phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn áp dụng trang thiết bị y tế loại A và sản xuất đối với chế phẩm diệt khuẩn tay không dùng nước, bị thu hồi.

Công bố bệnh nhân thứ 204 nhiễm Covid-19 là một bé trai 10 tuổi

Người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin hàng hóa

Theo các chuyên gia y tế, khi mua các sản phẩm dược phẩm nói chung và dung dịch nước rửa tay nói riêng, người tiêu dùng nên kiểm tra thông tin hàng hóa trên nhãn có đầy đủ và đúng quy định không. Cẩn thận hơn, tìm hiểu thông tin trên mạng xem sản phẩm đó đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hay chưa… để hạn chế những rủi ro và bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình.
Chiều 30.3, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho hay các mặt hàng nhu yếu phẩm và vật tư y tế phòng dịch như gel sạch khuẩn, khẩu trang... luôn được lực lượng này ưu tiên tập trung kiểm tra nhằm xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả hoặc lợi dụng lúc thiên tai dịch bệnh để trà trộn hàng kém chất lượng, chưa đủ điều kiện lưu thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.