Kiểm tra bài cũ là một hoạt động trong tiến trình dạy học của giáo viên (GV) và với hình thức như thế nào là do GV xây dựng chứ không phải lúc nào cũng cố định vào tiết học thì kiểm tra ngay theo hình thức kiểm tra miệng.
Tuy nhiên, thói quen của một số GV, cũng như tâm lý nhiều thầy cô luôn có suy nghĩ không kiểm tra bài cũ thì học sinh (HS) sẽ không chịu học bài. Vì thế, nhiều thầy cô vẫn luôn kiểm tra miệng trước khi dạy bài mới dẫn đến những áp lực cho HS, nhiều khi còn tạo cho thầy cô nỗi muộn phiền vì thông thường bao giờ cũng có em không thuộc bài, thậm chí gọi trả bài nhiều lần vẫn không thuộc, không học.
HS LUÔN CÓ TÂM LÝ SỢ TRẢ BÀI VÀO ĐẦU GIỜ
Đầu giờ học, GV lật sổ điểm cá nhân ra, tâm lý nhiều HS đã hồi hộp, lo sợ. HS ngồi dưới lớp dõi theo cây bút thầy cô kéo xuống, kéo lên và dừng lại ở đâu. Nếu những em có số thứ tự đứng ở đầu sổ điểm mà thấy thầy cô kéo bút xuống đoạn cuối của sổ là thở phào nhẹ nhõm. Thầy cô chỉ cần dừng cây bút ở đoạn nào là những em ở khoảng đó nhiều khi cũng cảm thấy tim đập thình thịch.
HS phổ thông dù có học lực giỏi hay yếu đều có tâm lý sợ kiểm tra miệng đầu giờ vì các em luôn cảm thấy áp lực. Những em học yếu áp lực đã đành nhưng HS giỏi cũng lo sợ vì thông thường thầy cô không chỉ hỏi nội dung bài học cũ mà còn mở rộng, nâng cao, nhất là đối với em có học lực khá, giỏi.
Các em sợ thầy cô cho điểm thấp và phê vào vở bài tập hoặc vở ghi chép bài học về sẽ bị cha mẹ la rầy. Các em sợ đứng trước bạn bè sẽ trả lời không lưu loát. Vì thế, dù giỏi hay không thì đứng trên bục giảng trả bài, đa phần HS thường ấp úng "thưa thầy là…, thưa cô là…" vài lần mới trả bài xong.
Không kiểm tra miệng Thầy giáo trả bài bằng cách ‘order’
Thực tế, nhiều em khi trả bài không tốt, thầy cô cho điểm thấp, thậm chí chửi bới sẽ dẫn đến tâm lý buổi học thường không tốt. Vì thế, nhiều thầy cô thường vận dụng linh hoạt trong việc kiểm tra bài cũ, hoặc lấy điểm bằng những hình thức khác.
KIỂM TRA ĐỂ HS TỰ TIN TRONG HỌC TẬP
Hiện nay, cấp THCS và THPT đang vận dụng 2 văn bản đánh giá kết quả học tập của HS. Những lớp đang học Chương trình 2006 (lớp 9 và 12) sẽ vận dụng Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26.8.2020 sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế đánh giá xếp loại HS THCS và THPT ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12.12.2011 của Bộ GD-ĐT.
Những lớp đang dạy Chương trình 2018 (lớp 6, 7, 8, 10, 11) sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20.7.2021. Trong hai văn bản này, không có văn bản nào bắt buộc GV phải kiểm tra bài HS ở thời điểm đầu tiết học.
Theo hướng dẫn hiện hành, HS có hai loại điểm kiểm tra, đó là kiểm tra thường xuyên và định kỳ. Điểm kiểm tra định kỳ thì mỗi học kỳ có hai cột điểm: giữa kỳ và cuối kỳ.
Đối với điểm kiểm tra thường xuyên được hướng dẫn "thực hiện thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập" và số lượng bài kiểm tra được quy định những môn học có 35 tiết/năm học sẽ có 2 cột điểm thường xuyên; trên 35 - 70 tiết/năm học sẽ có 3 cột; môn có trên 70 tiết/năm học sẽ có 4 cột điểm thường xuyên.
Với hướng dẫn này, GV có thể kiểm tra miệng nhưng cũng có thể kiểm tra HS bằng hình thức khác như "viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập", miễn đủ cột điểm là được. Có điều, thực hiện hình thức nào thì tổ chuyên môn phải thống nhất, có kế hoạch cụ thể và GV thực hiện trong kế hoạch giáo dục (cá nhân) của mình.
Với mục tiêu của Chương trình giáo dục 2018, cũng như hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập hiện nay, GV cũng cần linh hoạt trong quá trình thực hiện việc kiểm tra thường xuyên đối với học trò. Kiểm tra bài cũ có thể chỉ thực hiện đối với những em có tinh thần xung phong ở đầu giờ, hoặc GV lồng ghép trong quá trình giảng dạy bài mới rồi cho điểm sẽ giúp HS tự tin trong học tập.
Đã lâu tôi ít khi kiểm tra miệng đầu giờ
Thông tư của Bộ GD-ĐT về đánh giá HS đã quy định rõ: Đánh giá HS là một quá trình, có sự động viên, ghi nhận biểu hiện tiến bộ của trò ở từng giai đoạn học tập nhất định.
Thực hiện điều này, đã lâu tôi ít khi kiểm tra miệng đầu giờ học.
Thay vì kiểm tra miệng đầu giờ, tôi lồng ghép đánh giá trò vào tiết học ở nhiều hoạt động lên lớp: khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Tuổi học trò thích thử nghiệm cái mới, mê mày mò khám phá điều thú vị nên tổ chức trò chơi giải ô chữ, đố vui có thưởng, chiếc hộp may mắn… liên quan kiến thức bài học sẽ thu hút HS tham gia sôi nổi hơn rất nhiều so với kiểm tra vấn đáp: thầy nêu câu hỏi, trò trả lời đáp án đã học thuộc lòng.
Đặc biệt, tôi dùng điểm tốt để khuyến khích, động viên HS phát biểu xây dựng bài nhằm tạo không khí học tập sôi nổi, sinh động. Tùy từng câu hỏi với mức độ tư duy khó - dễ tương ứng với số lượng điểm tốt khác nhau sẽ kích thích HS tư duy, giao tiếp, phản biện. Và tôi biết nhiều thầy cô cũng đang áp dụng cách ghi điểm tốt để tạo động lực cho HS học tập.
Trang Hiếu (Giáo viên, Thừa-Thiên Huế)
Bình luận (0)