Kiểm tra việc chấp hành thuế của Khaisilk

Chiều 27.10, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết bước đầu đã giao cơ quan thuế Hà Nội xem xét, kiểm tra kết quả chấp hành thuế của Khaisilk trong thời gian qua.

Từ đó, cơ quan thuế sẽ tổng hợp xem xét và có những bước tiếp theo như thanh tra thuế đối với doanh nghiệp này.
Lừa dối thời gian dài, đổi trả thời gian ngắn
Trong ngày 27.10, thông tin từ phía Khaisilk cho biết phía cửa hàng số 113 Hàng Gai (Hà Nội) đã tiếp nhận thu hồi sản phẩm và hoàn trả tiền cho khách. Trong khi đó, tại TP.HCM, đại diện Tập đoàn Khaisilk cho biết chương trình thu hồi sản phẩm và hoàn trả tiền cho khách hàng sẽ được triển khai từ ngày 10.11. Thời gian tiếp nhận từ 16 - 18 giờ hằng ngày và chương trình chỉ kéo dài trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, địa điểm đổi trả hàng ở TP.HCM sẽ được phía Khaisilk thông báo chi tiết sau.
Nhận xét về điều này, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng chỉ cho đổi trả trong thời gian ngắn là thương hiệu Khaisilk chưa thể hiện được sự nhiệt tâm với khách hàng. Trong khi đó, thương hiệu này đang đối diện với sự phẫn nộ của cộng đồng ngoài trách nhiệm pháp lý. Thậm chí ngay cả những người chưa bao giờ sử dụng bất kỳ sản phẩm nào của Khaisilk như bản thân ông cũng thấy dường như bị xúc phạm.
Theo ông, sửa sai là không có hạn định hay điều kiện. Đã biết mình sai thì phải sửa bất kỳ lúc nào. Nếu Khaisilk muốn lấy lại uy tín và thật sự thể hiện được sự thành khẩn của mình sau những gian dối vừa qua thì không nên đặt ra giới hạn về thời gian. Thay vào đó nên mạnh dạn tuyên bố sẵn sàng chấp nhận thu hồi sản phẩm và hoàn trả tiền khi khách hàng có nhu cầu.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lý Trường Chiến, Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM, đánh giá: “Làm sai 30 năm, sửa trong 1 tháng có vẻ chưa hợp lý. Công ty cần lập tức giải quyết một chuỗi công việc xoay quanh các vấn đề về giá mua, thời điểm mua, nơi mua, chất lượng hàng khi đổi trả, nơi đổi trả, cách kiểm tra đánh giá, thủ tục đổi trả...”. Ông Chiến cũng lưu ý: Nếu không chuẩn bị chu đáo và chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực, gây tổn thất nặng nề hơn đến thương hiệu và nhãn hiệu.
Riêng đối với lô hàng 60 chiếc khăn do Công ty V. đã mua và phát hiện có khăn ghi 2 nhãn mác “made in Vietnam” và “made in China”, ông Đặng Như Quỳnh cho biết phía Khaisilk đề nghị thu hồi lại toàn bộ và hoàn lại tiền theo đúng giá đã bán. Tuy nhiên, Công ty V. không đồng ý nhận tiền, trả hàng mà muốn giữ lại toàn bộ lô hàng làm bằng chứng. Ông Quỳnh thông tin thêm, ngay sau khi phát hiện khăn Trung Quốc trong lô hàng mua từ Khaisilk, Công ty V. đã gửi mẫu khăn đi kiểm định tại Viện Kiểm định dệt may để kiểm tra nguồn gốc sợi nguyên liệu.
“Ngày 26.10 là hẹn trả kết quả kiểm định, chúng tôi cũng đã được nhìn thấy kết luận nhưng Viện này yêu cầu chưa được phép công bố và chúng tôi vẫn chưa nhận được giấy kết quả kiểm nghiệm chính thức”, ông Quỳnh chia sẻ thêm.
Bên trong cửa hàng Khaisilk trước khi bị tố bán hàng Trung Quốc Ảnh: Hà Mai
Vi phạm cả đạo đức và pháp luật
Bên lề Quốc hội sáng 27.10, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã nhận xét như vậy về việc Khaisilk bán hàng Trung Quốc có mác VN. “Sau khi làm rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân thì chúng tôi sẽ xem xét lại trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là của Bộ Công thương trong hiểu biết, nhận thức và cách thức thực thi pháp luật, vai trò trong tham mưu chính sách của các cơ quan đó”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng là vấn đề được đặt câu hỏi khi Khaisilk “làm bậy” kéo dài đến gần 30 năm nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý thị trường không phát hiện ra. Do đó nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc khẩn trương hành động để xử phạt thích đáng, cần xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong vụ Khaisilk.
TS Nguyễn Ngọc Sơn nêu vấn đề: Cơ quan quản lý thị trường ở đâu mà không biết? Hay họ chỉ chú trọng đến việc thanh kiểm tra những mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Thế nhưng, hầu như sản phẩm nào cũng đều có hàng gian hàng giả, hàng nhái tràn ngập trên thị trường. Vì vậy cần xem xét lại thái độ làm việc, trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Từ đó phải chấn chỉnh và thay đổi để thật sự bảo đảm được chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và môi trường kinh doanh minh bạch. Điều đó cũng là góp phần tạo niềm tin vào hàng Việt của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.