Với 10 năm kỳ công đổ đá lấn biển, cựu chiến binh Vũ Trung Kiên 62 tuổi (xã Mỹ Lộc, Mỹ Lộc, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đã biến một cồn cát hoang vu trở thành khu sinh thái lý tưởng của tỉnh Thái Bình.
Ông Vũ Trung Kiên với con đê 10 năm xây dựng để bảo vệ Cồn Đen - Ảnh: Trần Hồ |
Về xã Mỹ Lộc, H.Thái Thụy, tỉnh Thái Bình hỏi nhà ông Kiên ai cũng biết. Người dân nơi đây gọi ông bằng những cái tên trìu mến như: “Kiên cồn Đen”, “Kiên dã tràng” hay “Người giữ lại màu xanh cho cồn Đen”, bởi chính ông đã làm nên cái kỳ tích lấn biển mà không ai tin được.
"Giã tràng" xe đá lấn biển
Cồn Đen là một cồn cát rộng chừng 400 ha, nằm cách đất liền 3 km thuộc địa phận xã Thái Đô, H.Thái Thụy, Thái Bình. Trên cồn Đen có rất nhiều khoáng vật titan có giá trị, nhưng điều lạ là không ai có thể khai thác được vì tàu bè các nơi đi qua nếu không mắc cạn thì cũng bị đắm mà không rõ nguyên do. Cái tên “Đen” bắt đầu được người dân gọi từ đó.
|
Ông Kiên chia sẻ: “Khoảng 50 năm về trước, cồn Đen từng được bao phủ bởi rừng vẹt, rừng bần, lá phổi xanh của Thái Thụy. Tôi và những đứa trẻ trong làng thường xuyên ra đây chăn trâu, cắt cỏ, cùng bọn trẻ đánh trận giả…Rồi lớn lên đi tham gia kháng chiến. 30 năm phục vụ trong quân đội, 50 tuổi (năm 2002) tôi mới về quê hương và ngỡ ngàng thấy cảnh cồn Đen đìu hiu, xơ xác, còn đâu bãi biển cát dài, còn đâu rừng phi lao chiều hè đánh trận giả, nơi ngồi đọc sách cất vó, nơi gia đình mưu sinh cho qua những ngày khó khăn… Cả cồn Đen chỉ còn vỏn vẹn 217 gốc phi lao trơ trụi giữa biển”.
Nhìn cồn Đen bị sóng biển bào mòn, tàn phá trong khi tiềm năng rất lớn, ông ấp ủ dự định phải làm gì đó để cứu vãn tình hình và đóng góp cho sự phát triển của quê hương. “Từ đó cứ 2 - 3 tháng tôi lại ra cồn Đen một lần. Khi đó, kinh tế gia đình tôi khá vững chắc nhờ có xưởng thu mua hải sản, có đội tàu vận tải biển quốc tế Bắc Nam. Tôi quyết định, bàn bạc với vợ con, bạn bè, chính quyền địa phương để đầu tư xây dựng, khôi phục cồn Đen. Phải mất một thời gian dài vận động, thuyết phục, năm 2006, dự án cải tạo cồn Đen của tôi mới được ký quyết định thực thi ”, ông Kiên kể.
Để đưa được người và vật liệu vượt qua bãi lầy và các vạt rừng ngập mặn, ông Kiên đã phải làm cây cầu tre dài hơn 1 km xuyên rừng, do đây là vùng đất thuộc khu bảo tồn sinh quyển nên không thể xây cầu bê tông. Dựng được đường ra đã là vất vả, dựng được lán để ở lại càng vất vả hơn. Vì ở cồn Đen bốn bề chỉ có cát, gió lớn, sóng mạnh, thủy triều lên cao, chỉ có thể dựng “nhà giàn” để ở. Nhưng khi chiếc “nhà giàn” đầu tiên được dựng lên, chỉ sau một đêm, toàn bộ nhà lán, quần áo, thức ăn, nước uống của hơn 100 công nhân đã bị biển cuốn trôi hết. Ông Kiên và mọi người phải hì hục kè đá để chống lại sóng biển. Nhưng cũng phải mất tới 8 tháng kè đá liên tục, chỗ ăn nghỉ của công nhân mới đứng vững trước những con sóng mạnh của biển khơi.
Để quai đê lấn biển, phải huy động một lượng đá rất lớn mà thời điểm đó không có bất cứ loại xe vận chuyển nào có thể đi ra được cồn Đen. Vậy là ông Kiên phải sử dụng những chiếc thuyền nan, cỡ nhỏ, vận chuyển từng khối đá ra cồn. Chi phí xây dựng, vì thế mà đội lên tới 10 lần so với xây dựng trong đất liền. Từng viên đá, được ông ví “quý ngang vàng”. Nhưng những khối đá đầu tiên đổ xuống để quai đê chỉ sau một đêm là bị sóng cuốn đi hết. “Ở đây, tôi nói với công nhân là đổ đá không tiếc tay. Tổng cộng tôi đã đổ hơn 100 vạn khối đá xuống lòng biển để dựng được con đê lớn như bây giờ”, ông Kiên nhớ lại.
Rừng phi lao chắn sóng trở thành điểm du lịch lý tưởng của địa phương - Ảnh: Trần Hồ
|
Cùng với việc kè đá là đổ đất và trồng cây. Ông Kiên cho biết đã cho đổ xuống hàng vạn khối đất và cát, nâng độ cao của cồn lên 2 - 3m so với mặt nước biển và trồng hàng ngàn cây bần, vẹt, phi lao theo chủ trương: kè đá đến đâu trồng cây đến đó. Chuyện trồng cây của ông không kém phần gian nan vì hàng trăm loại cây đưa ra trồng thí điểm đã bị chết. Hàng ngàn cây dừa nước mà ông phải mất công mang từ Thanh Hóa ra cũng không thể chịu nổi vị mặn chát của biển…
"Đổi" gia đình lấy màu xanh cho quê hương
Khi đưa ra ý tưởng cải tạo lại cồn Đen, ông Kiên ngay lập tức vấp phải sự phản đối của gia đình. Vợ con ông đều lo ngại về một việc đầu tư không nhìn thấy tương lai và có nhiều khả năng thất bại. Chính quyền cũng không dám ký quyết định cho ông làm. Trong mấy năm đầu, không ngày nào ông Kiên rời khỏi cồn Đen, thậm chí đêm không về nhà. Tóc ông bạc trắng sau những đêm dài lo lắng và mất ngủ.
“Làm đến năm thứ 5 thì tôi cạn sạch vốn. Vì trong 5 năm đó, tôi không có nguồn thu nào. Để có tiền tiếp tục công trình, tôi cho bán toàn bộ tàu bè của công ty đang thời kỳ hoàng kim cùng với đó là vay mượn, thế chấp cả sổ đỏ của bà con, anh em, họ hàng để vay ngân hàng nuôi ngao. Vì tôi nghĩ ngao có vòng đời ngắn, nhanh thu hoạch, quay vòng vốn nhanh. Ai ngờ lứa ngao đầu tiên được xuất đi thì bị nóng, chết hàng loạt, tổn thất vài chục tỉ đồng. Tôi bàng hoàng chán nản, muốn buông xuôi trả lại hết cho biển, nhưng tôi tự nhủ: hãy đứng lên hỡi người lính không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền và tôi đã làm được”, ông Kiên trải lòng.
Nhưng những khó khăn về tiền bạc cũng chưa lớn bằng những khó khăn về tinh thần mà ông gặp phải. Công việc kinh doanh bết bát vì cồn Đen, đã khiến gia đình ông thường lâm vào cảnh mâu thuẫn vợ chồng. Ly hôn với người vợ từng chung lưng đấu cật, đó là cái giá mà ông Kiên đã phải đánh đổi để thực hiện mơ ước vươn mình ra biển. Giờ nhắc lại, ông vẫn còn rùng mình vì cái sự liều của bản thân.
Sau gần 10 năm nỗ lực không ngừng, từ bãi cát hoang vu, giờ đây, cồn Đen đã xanh màu xanh của bần, của vẹt, của phi lao…Từ chân đê xã Thái Đô, biển đã bị đẩy lùi 2 km, phía trước cồn Đen đã hình thành một bãi cát mới và trên cồn Đen đã có hơn 50 hecta rừng ngập mặt và rừng chắn sóng.
Người dân ở các xã Thái Đô, Thái Hòa, Thái Thượng, Mỹ Lộc (H.Thái Thụy) đã có bức tường xanh chắn sóng, chắn gió; hàng ngàn con thuyền đã có chỗ neo đậu an toàn, khi bão về. Bên cạnh đó, cồn Đen đã trở thành tuyến đầu bảo vệ an ninh quốc phòng và phát triển thành khu du lịch sinh thái bền vững của địa phương.
Bình luận (0)