Nhiều tiềm năng
Với điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý thuận lợi, Kiên Giang phát triển khá đa dạng các lĩnh vực như nông - lâm nghiệp; kinh tế biển; kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế; công nghiệp chế biến nông - thủy sản, thương mại, dịch vụ du lịch, năng lượng… Tỉnh cũng quyết liệt trong việc kêu gọi thu hút đầu tư; cắt giảm các khâu trung gian, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng.
Một góc dự án lấn biển tại TP.Rạch Giá |
P.C |
Giai đoạn 2018 - 2020, Kiên Giang huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 108 dự án (DA). Trong đó, ngoài các DA về phát triển giao thông - vận tải, nhà ở - đô thị, thương mại, tỉnh còn tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp sạch, nuôi biển công nghệ cao; chế biến nông thủy sản giá trị gia tăng cao; đánh bắt và bảo quản hải sản; khu hậu cần nghề cá; xử lý môi trường; các DA khu, cụm công nghiệp; du lịch… Nhiều DA cơ sở hạ tầng động lực như sân bay nội địa Rạch Giá, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, Cảng hàng hóa An Thới, Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu chính Giang Thành, tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đầu tư xây dựng và cải thiện, giúp thời gian di chuyển từ TP.HCM đi Kiên Giang chỉ còn 3 - 5 giờ ô tô… Đây chính là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Kiên Giang trong thời gian tới.
Năm 2020, Kiên Giang đứng thứ hai khu vực ĐBSCL về vốn đầu tư FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Về đối tác, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ có DA đầu tư vào Kiên Giang. Đặc biệt, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tính đến hết tháng 10.2021, Kiên Giang thu hút 327 DA đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng diện tích 10.118 ha và tổng vốn đầu tư 358.038 tỉ đồng; riêng Phú Quốc có 283 DA đầu tư, diện tích 9.617 ha và tổng vốn đầu tư 352.095 tỉ đồng.
4 lĩnh vực kêu gọi đầu tư trọng tâm
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, Kiên Giang tập trung thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực trọng tâm gồm: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và kinh tế biển.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang, trong lĩnh vực nông nghiệp, Kiên Giang thu hút các dự án phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ hướng tới kết hợp du lịch nông nghiệp nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản; phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản (OCOP) theo hướng hữu cơ gắn với phát triển du lịch bền vững.
Núi Đèn, TP.Hà Tiên |
Trung Hiếu |
Về công nghiệp, Kiên Giang tăng cường thu hút DA công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ số, sản xuất lắp ráp và phụ trợ công nghiệp, chế tạo sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường; các DA đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển công nghiệp năng lượng; đường giao thông liên vùng, liên tỉnh.
Về dịch vụ, Kiên Giang thu hút DA phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ hiện đại; tổ hợp khu vui chơi, giải trí chất lượng cao; kêu gọi đầu tư vào các ngành dịch vụ như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, logistics... Song song đó, Kiên Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động thương mại khu vực biên giới Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, Cửa khẩu quốc gia Giang Thành, gắn kết với phát triển thương mại ở TP.Phú Quốc, trung tâm đô thị tại H.Kiên Lương và TP.Rạch Giá; đầu tư dịch vụ vận tải, kho bãi chuyên nghiệp, các dịch vụ trọn gói phục vụ giao thông vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không...
Riêng kinh tế biển, Kiên Giang tập trung kêu gọi đầu tư phát triển các lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản; phát triển du lịch và dịch vụ biển; các cảng biển trọng điểm tại Rạch Giá, Phú Quốc, Kiên Lương, Hà Tiên, Kiên Hải.
Cải thiện môi trường, thu hút đầu tư
Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, Kiên Giang áp dụng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp cho nhà đầu tư. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, trong đó có xem xét tiêu chí công nghệ, môi trường nhằm đưa doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của các tập đoàn lớn tại địa phương.
Ngư phủ trên biển Kiên Giang |
Trung Hiếu |
Bên cạnh đó, Kiên Giang tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư; đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư; hợp tác về xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị; chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nguồn nhân lực... để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Kiên Giang cũng chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động đầu tư kinh doanh thông qua các công tác đối thoại doanh nghiệp nhằm tạo sự gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp; gắn kết công tác xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch; công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là công khai quỹ đất…
Theo Sở KH-ĐT Kiên Giang, trong 9 tháng đầu năm 2021, tỉnh có 112 DA đang triển khai đầu tư xây dựng, chủ yếu là DA chuyển tiếp, chỉ có 3 DA khởi công mới, đã thực hiện giải ngân vốn đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tỉnh cấp mới 10 quyết định chủ trương đầu tư, quy mô trên 41 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1.950 tỉ đồng. Lũy kế đến hết tháng 9.2021, toàn tỉnh có 817 DA được cấp chủ trương trên các lĩnh vực, ngành nghề với quy mô hơn 40.758 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 811.145 tỉ đồng. Trong đó, có 374 DA đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư gần 64.000 tỉ đồng.
Mới đây, UBND tỉnh Kiên Giang cũng phê duyệt danh mục 55 DA kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, với tổng vốn ước tính khoảng 20.635 tỉ đồng. Trong đó, có 3 DA đầu tư có sử dụng đất, 7 DA đầu tư theo hình thức xã hội hóa và 45 DA kêu gọi đầu tư khác…
Bình luận (0)