Kiên Giang khai thác tiềm năng, phát triển du lịch kinh tế trọng điểm

24/10/2024 10:19 GMT+7

Tỉnh Kiên Giang đã và đang tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững, trở thành ngành kinh tế trọng yếu của tỉnh.

Kiên Giang là 1 một trong 4 tỉnh vùng trọng điểm kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, có cảng biển, sân bay quốc tế thuận lợi giao lưu hợp tác khu vực và quốc tế. Tỉnh có bờ biển dài hơn 200 km, trên 143 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm đẹp. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng cải thiện, chính sách visa thông thoáng… góp phần thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Kiên Giang khai thác tiềm năng, phát triển du lịch kinh tế trọng điểm- Ảnh 1.

Khách du lịch trải nghiệm ngắm hoàng hôn trên du thuyền 5 sao Nautilus giữa trùng khơi Phú Quốc

ẢNH: TRUNG HIẾU


Điểm sáng trong bức tranh kinh tế

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay, Kiên Giang đã thu hút 317 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch với tổng vốn trên 16,5 tỉ USD. Trong 9 tháng năm 2024, tỉnh đón trên 8,3 triệu lượt khách du lịch (tăng 15,5% so cùng kỳ, đạt 90,4% kế hoạch năm); trong đó khách quốc tế gần 737.000 lượt (tăng 57% so cùng kỳ, vượt 8,3% kế hoạch năm). Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 19.787 tỉ đồng (tăng 35,7% so cùng kỳ, đạt 98,9% kế hoạch năm).

Chị Tatyana, du khách đến từ Kazakhstan, chia sẻ: "Phú Quốc, ngoài lợi thế khí hậu nóng ấm, phù hợp với du khách đến từ các xứ lạnh thì việc tất cả khách quốc tế được miễn thị thực 30 ngày khi đến nơi này cũng là lợi thế cạnh tranh du lịch. Tôi yêu Phú Quốc bởi con người thân thiện, đồ ăn ngon và đặc biệt là cảnh quan đẹp như một thiên đường có thực. Thêm vào đó là chi phí du lịch ở Phú Quốc cũng rất hợp lý để có thể lưu trú trong thời gian dài".

Kiên Giang khai thác tiềm năng, phát triển du lịch kinh tế trọng điểm- Ảnh 2.

Các bạn trẻ check-in Hòn Sơn, H.Kiên Hải, Kiên Giang

ẢNH: TRUNG HIẾU

Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, UBND tỉnh chỉ đạo ngành du lịch tiếp tục mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tổng kết quyết định số 178, mục tiêu phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, an toàn, thông minh và là điểm đến hấp dẫn, có bản sắc riêng, bảo đảm phát triển bền vững.

Đặc biệt, Kiên Giang phát huy vai trò của tỉnh nằm trong cực tăng trưởng quốc gia khu vực phía Nam, khu vực động lực thúc đẩy du lịch Việt Nam theo quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ phê duyệt để cùng với các tỉnh, thành góp phần quan trọng trong mục tiêu phát triển du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP; tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác…

Kiên Giang khai thác tiềm năng, phát triển du lịch kinh tế trọng điểm- Ảnh 3.

Phú Quốc là một trong số ít nơi bắn pháo hoa phục vụ du khách mỗi đêm

ẢNH: TRUNG HIẾU

Cơ cấu lại thị trường du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển

Để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế trọng yếu, Kiên Giang triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ.

Theo đó, tỉnh tập trung nâng tỷ lệ thị trường khách châu Âu; đưa thị trường khách Đông Nam Á thành thị trường trọng điểm; khai thác ổn định nguồn khách Trung Quốc, Hàn Quốc; khai thác thị trường mới từ Ấn Độ, Trung Đông.

Đối với thị trường khách nội địa, Kiên Giang khai thác các thị trường TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang; phát triển mở rộng thị trường khách từ vùng Tây Nguyên; tăng tỷ trọng khách trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, du lịch MICE.

Kiên Giang khai thác tiềm năng, phát triển du lịch kinh tế trọng điểm- Ảnh 4.

Khách du lịch câu cá trên biển khu vực Hòn Đầm, H.Kiên Lương, Kiên Giang

ẢNH: TRUNG HIẾU

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Kiên Giang đón 10,7 triệu lượt khách (khách quốc tế 900.000), tổng thu từ du lịch đạt 38.000 tỉ đồng, đóng góp trên 13% GRDP của tỉnh; năm 2030 đón trên 23 triệu lượt khách (khách quốc tế 1,667 triệu), tổng thu đạt 105.000 tỉ đồng, đóng góp trên 17,5% GRDP của tỉnh.

Bà Quảng Xuân Lụa, Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Kiên Giang, cho biết để thực hiện mục tiêu trên, Kiên Giang củng cố các sản phẩm du lịch hiện có; tiếp tục hình thành 3 sản phẩm du lịch đặc thù: Tham quan hệ sinh thái địa hình karst giao thoa biển và đồng bằng (Hà Tiên - Kiên Lương); tham quan nghiên cứu về bò biển, cá heo và đồi mồi trong môi trường tự nhiên Phú Quốc; tham quan nghiên cứu và hoạt động du lịch sinh thái rừng nhiệt đới Phú Quốc.

Đồng thời, hình thành sản phẩm du lịch thiên nhiên, du lịch thương mại cửa khẩu, khảo cổ văn hóa Óc Eo, du thuyền, mua sắm, du lịch sáng tạo, du lịch thực tế ảo… phục vụ khách. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong và ngoài nước gắn với công tác thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và hội nhập quốc tế.

Kiên Giang khai thác tiềm năng, phát triển du lịch kinh tế trọng điểm- Ảnh 5.

Một góc làng chài Rạch Vẹm, TP.Phú Quốc vào sáng sớm

ẢNH: TRUNG HIẾU

Kiên Giang tiếp tục tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực… nhằm tranh thủ thời cơ, tận dụng cơ hội để phát triển hệ sinh thái du lịch, thúc đẩy du lịch phát triển nhanh và bền vững.

"Trong những tháng cuối năm 2024, Kiên Giang chuẩn bị ra mắt nhiều sự kiện, sản phẩm du lịch mới như: tiệc bể bơi, EDM ở Hòn Thơm; show diễn kết hợp jetski & flyboards với trống hội, múa lân và diều khổng lồ ở cầu Hôn; tuần lễ văn hóa thể thao và du lịch Phú Quốc; IRONMAN 70.3 mùa 2… hứa hẹn mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm mới ấn tượng, đặc sắc", bà Quảng Xuân Lụa thông tin thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.