Nhiều tiềm năng
Kiên Giang là một trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL theo Quyết định 492 của Thủ tướng Chính phủ. Vùng biển của Kiên Giang với khoảng 63.000 km2, bờ biển dài trên 200 km cùng 143 đảo thuộc 5 quần đảo. Trong số trên, Phú Quốc đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực và thế giới. Với những tiềm năng to lớn, Kiên Giang xác định biển là thế mạnh, là yếu tố quyết định tốc độ phát triển kinh tế xã hội chung của toàn tỉnh nên cần phải được đầu tư đúng mức.
Theo đó, từ khi triển khai nghị quyết của T.Ư và chương trình của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển, đảo, Kiên Giang đã có nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện và tái cơ cấu lại ngành kinh tế biển, trọng tâm là Chương trình 36 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế biển Kiên Giang giai đoạn 2011 - 2015. Sau khi chương trình được triển khai, các ngành có lợi thế như: thủy sản, du lịch, vận tải biển, dịch vụ nghề cá, công nghiệp chế biến thủy sản… được đầu tư đúng mức và phát huy hiệu quả tích cực, đưa Kiên Giang trở thành tỉnh đứng thứ 3 ĐBSCL về phát triển kinh tế.
Đến nay, Kiên Giang có gần 13.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản; trong đó có khoảng 4.200 phương tiện đạt công suất từ 90 CV trở lên, tổng sản lượng khai thác năm 2015 đạt gần 500.000 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Tỷ trọng kinh tế biển đang chiếm trên 75% GDP toàn tỉnh. Đến cuối năm 2015, Kiên Giang thu hút hơn 300 dự án đầu tư vào các vùng ven biển và hải đảo, với tổng vốn đăng ký trên 138.000 tỉ đồng.
Trong đó có 98 dự án hoàn thành đi vào hoạt động, như khu du lịch sinh thái Vipearl Phú Quốc, sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng Bãi Vòng, cảng quốc tế An Thới, hệ thống vận tải cao tốc đường biển. Bên cạnh đó, bước đầu tỉnh đã hình thành các tour, tuyến du lịch mới; nhiều chuyến bay quốc tế nối Phú Quốc với một số quốc gia như Nga, Singapore, Campuchia, Trung Quốc, Hàn Quốc... góp phần thúc đẩy du lịch phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Chỉ trong năm 2015, du lịch Kiên Giang thu hút 4,3 triệu lượt khách, tăng 50% so với năm 2010; trong đó khách quốc tế đến Phú Quốc đạt 156.000 lượt.
Cùng với đó, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng được tập trung đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm. Giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất trên 165.000 tấn/năm, với sản lượng chế biến đạt 58.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 đạt 137 triệu USD, tăng 20 triệu USD so với năm 2010…
Cần những chính sách phù hợp
Mặc dù đã đạt được những bước tiến quan trọng nhưng theo đánh giá của các ngành chuyên môn, kinh tế biển ở Kiên Giang thời gian qua vẫn chưa phát huy hết thế mạnh sẵn có. Cụ thể như chưa xây dựng được những sản phẩm du lịch biển mang nét riêng; thiếu dịch vụ về biển, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở một số nơi còn mang tính tự phát nên giảm tính cạnh tranh. Không chỉ vậy, Kiên Giang đang áp dụng một chính sách chung trong phát triển kinh tế biển, điều này đã gây khó cho các địa phương khi xây dựng môi trường du lịch.
Khai thác thủy sản được xác định là ngành kinh tế không chỉ làm giàu cho đất nước mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo của Tổ quốc tuy nhiên vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động khai thác vẫn mang tính nghề cá nhân, quy mô nhỏ; hơn 99% tàu cá ở Kiên Giang vẫn là tàu gỗ, không đảm bảo an toàn hàng hải. Chính vì thế, với ngư trường có khả năng cho phép khai thác hằng năm hơn 400.000 tấn các loại thủy sản nhưng việc khai thác, nuôi trồng thủy sản, cũng như công nghiệp chế biến ở Kiên Giang phát triển vẫn còn chậm, hiệu quả thấp… Đây là vấn đề Kiên Giang cần phải được cải thiện trong thời gian tới.
Theo xu hướng chung của cả nước, biển Kiên Giang đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Chính vì thế, một hướng đi bền vững, với những chính sách và cách làm phù hợp là điều rất cần thiết để kinh tế biển thật sự trở thành trụ cột đưa Kiên Giang phát triển vượt bậc trong thời gian tới.
Bình luận (0)