Kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng

24/05/2024 06:26 GMT+7

Tiền đổ vào vàng và đất thay vì đầu tư sản xuất kinh doanh, theo các đại biểu Quốc hội phản ánh tâm lý xã hội và niềm tin của doanh nghiệp đối với nền kinh tế.

Cần giải pháp căn cơ cho vàng

Sáng 23.5, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, các tháng đầu năm 2024. Đề cập các vấn đề thách thức dài hạn của nền kinh tế, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 3 yếu tố: già hóa dân số; biến đổi khí hậu và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, vấn đề quan trọng hiện nay nổi lên là niềm tin thị trường; tâm lý xã hội và thái độ đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận cán bộ công chức hiện nay.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) đề nghị Chính phủ phải có giải pháp giải quyết tận gốc tình trạng giá vàng nhảy múa, biến động thời gian vừa qua. "Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có những thời điểm tăng rất lớn. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn. Cùng đó, dòng tiền không đưa vào sản xuất mà đưa vào vàng, vào đất", ông Thắng phân tích.

Cũng có quan điểm tương tự, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) còn đặt ra vấn đề nhiều người băn khoăn nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Theo ông Đồng, nhu cầu hẳn không phải từ đa số người dân bình thường, cũng không phải nguyên nhân thuần túy đầu tư thay thế cho kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng với mức lãi suất hiện nay không còn hấp dẫn. "Liệu có phải đây chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường? Nếu đúng thế, thì có giải pháp căn cơ", ông Đồng nêu.

Nhiều ĐB QH kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng

Nhiều ĐB QH kiến nghị bỏ độc quyền vàng miếng

Đào Ngọc Thạch

Tương tự, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị nhà nước phải sớm có biện pháp đưa giá vàng trong nước về trạng thái bình ổn, ít nhất là phải tương đồng với thế giới. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra đấu thầu vàng để tăng cung, nhằm giảm giá, song thực tế, cứ sau mỗi phiên đấu thầu, giá vàng lại tăng lên nhiều hơn. Theo ĐB Hoàng Văn Cường, cơ chế đấu thầu vàng này đang là "đấu thầu ngược", lại trở thành tác nhân làm giá vàng tăng lên khi nhà nước đặt giá sàn cao hơn mức thị trường.

"Mục tiêu của đấu thầu vàng vừa qua không phải giảm giá vàng, mà là đấu thầu vàng làm sao thu được nhiều tiền. Nếu mục tiêu là để giảm giá, liên thông giá vàng trong nước với quốc tế thì giá tham chiếu phải bằng giá vàng thế giới cộng với các loại thuế phí và nhu cầu. Bên cạnh đó, khi đấu thầu, anh nào mua vào phải bán ra với giá sát nhất của giá tham chiếu thì mới thắng thầu", ông Cường nêu.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: 'Đấu thầu ngược' đang là tác nhân làm tăng giá vàng

Về dài hạn, ĐB này đề nghị sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, bởi theo ông, quy định tại văn bản này chỉ còn hiệu quả trong giai đoạn trước đây nhưng hiện nay đang gây tác dụng ngược trong quản lý thị trường vàng. Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị sửa Nghị định 24 để xóa bỏ độc quyền sản xuất, nhập khẩu vàng miếng của NHNN. "Có những doanh nghiệp (DN) đủ khả năng để nhập và sản xuất vàng miếng nhưng chúng ta lại không cho", ĐB Hòa nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) cũng bày tỏ sốt ruột khi Nghị định 24 về quản lý thị trường này vẫn chưa được sửa, dù được đề cập rất nhiều lần. Ông Thanh cho biết tới đây dự kiến Ủy ban Kinh tế sẽ tổ chức phiên giải trình liên quan quản lý thị trường vàng.

Truy gốc rễ vì sao cán bộ sợ trách nhiệm

Từ góc nhìn khác, ĐB Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên) cho rằng cần nhìn nhận khách quan, phân tích sâu hơn về nguyên nhân cốt lõi dẫn đến "một bộ phận cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm". Lý do, tinh thần, thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức có mối quan hệ tương quan rất chặt chẽ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Quy định rõ rồi mà cán bộ công chức không làm thì thuộc về trách nhiệm của cán bộ công chức. Nhưng ngược lại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề, có sự mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất. Việc các quy định còn bất cập khiến cán bộ công chức sợ rủi ro. "Nếu anh nào liều, cứ quyết mà làm thì nhắm mắt làm, nhưng đến khi có sự kiện xảy ra, khi các cơ quan kiểm tra, thanh tra vào thì chỉ áp dụng quy định pháp luật để xử lý cán bộ. Chẳng lẽ cứ nhắm mắt làm, cùng lắm là đi tù?", ĐB Lò Thị Luyến nêu băn khoăn.

Đơn cử như một thực tế tại tỉnh Điện Biên đang vướng do các nghị định quy định chi tiết luật Tài nguyên nước 2012 và luật Bảo vệ môi trường 2020 có sự xung đột nhau. Theo đó, với các nhà máy thủy điện công suất từ 2 - 20 MW hiện Bộ TN-MT không thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng UBND cấp tỉnh lại chỉ được thẩm định dự án dưới 2 MW. "Khoảng trống" với dự án từ 2 MW - 20 MW đến nay không bên nào cấp phép, UBND tỉnh Điện Biên kiến nghị lên Bộ TN-MT, nhưng vẫn chưa xử lý được.

ĐB Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội, cũng cho rằng Chính phủ cần có đánh giá, thống kê sâu hơn về tinh thần trách nhiệm, chất lượng công việc của cán bộ công chức. Theo đó, cần "bóc tách" các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan vi phạm luật Cán bộ công chức, về đạo đức công vụ, cụ thể là trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc; xử nghiêm theo luật Cán bộ công chức.

Băn khoăn về đề án vị trí việc làm đang được xây dựng "dù nỗ lực nhưng vẫn tồn tại bất cập", ĐB Ba cho hay thực tế nhiều đơn vị xây dựng đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao. Có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên. Bên cạnh đó, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng "lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện".

"Từ lâu chúng ta đã đổi mới, cải cách và tinh giản và đổi mới cải cách tiền lương theo hướng tăng lương thực tế. Nhưng tới đây có thể thu nhập của cán bộ công chức sẽ giảm. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song đây là lo ngại thực tế của người lao động, chỗ này có thể liên quan do vị trí việc làm chưa ổn", ông Ba nêu băn khoăn.

Đề xuất chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội

Thảo luận tại tổ sáng 23.5, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) nêu thực tế các căn hộ chung cư mà thời gian trước được sử dụng để làm bệnh viện dã chiến Covid-19 hiện trống rất nhiều. "Ở Hà Nội có hàng nghìn căn, TP.HCM có 14.000 căn tái định cư cũng chưa được sử dụng, rất lãng phí. Trong khi đó giá chung cư hiện nay đang tăng rất cao, nhu cầu rất nhiều. Nhiều địa phương đã nghĩ đến việc thực hiện đấu giá nhà tái định cư, nhưng chưa tìm được phương pháp định giá, mức giá đấu; cũng chưa tìm cách để biến đổi chung cư cho những người có thu nhập thấp thuê". Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay Bộ này đang nghiên cứu cơ chế để chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội.

Giá vé máy bay nội địa khá đắt

Chiều 23.5, QH thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp. ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề cập tới câu chuyện giá vé máy bay nội địa liên tục tăng thời gian qua. Giá vé máy bay nội địa khá đắt so với thu nhập bình quân của người dân VN.

Thảo luận tại tổ, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, cũng so sánh với đường bay độ dài tương đương ở Thái Lan nhưng giá vé rẻ hơn VN. Cụ thể, từ Bangkok đến Phuket gần 869 km, giá vé của Air Asia là 768.000 đồng, Thai JetAir 796.000 đồng, Thai Airways là 1,16 triệu đồng. Trong khi Hà Nội - Đà Nẵng chặng tương tự dài 757 km thì VietJet là 1,12 triệu, Vietnam Airlines 1,58 triệu đồng.

Ông Sơn đề xuất cần có gói hỗ trợ hàng không, du lịch để có các chính sách giảm giá, ví dụ như hỗ trợ phí dịch vụ ở các sân bay khi phí này chiếm 10 - 30% giá vé. Cùng với đó, cần nghĩ sâu xa hơn là đầu tư cho các trung tâm bảo dưỡng máy bay ở VN và ngành du lịch với ngành hàng không phải có hợp tác…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.