Công văn kiến nghị của VASEP cho biết, quy định hiện nay áp dụng kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên nhưng đối với một số loài hải sản khai thác là không phù hợp với thực tiễn. Ví dụ, đối với cá ngừ vằn (loài cá di cư, có giá trị thương mại lớn) đang quy định chiều dài nhỏ nhất cho phép khai thác là 500mm (nửa mét). Theo quy định về chống khai thác IUU tại điều 60 của luật Thủy sản, thì quy định này đồng nghĩa việc khai thác-thu mua - xác nhận - xuất khẩu loài cá này có kích thước dưới 500mm là hành vi IUU (bất hợp pháp, không theo quy định).
VASEP cho biết, trong thực tế, kích thước của cá ngừ vằn có chiều dài trên nửa mét thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ 5 - 8% trong mỗi lô cá khai thác được. Kích cỡ thông dụng của loài di cư này là 15 - 40cm/con, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong các lô khai thác trong và ngoài nước, và cũng là kích cỡ thương mại xuất nhập khẩu bình thường hiện nay trên thế giới. Trong 2 tháng qua, kể từ khi Nghị định 37 có hiệu lực (từ 19.5.2024), một số doanh nghiệp chế biến cá ngừ đã dừng hoàn toàn việc thu mua nguyên liệu cá vằn khai thác trong nước của ngư dân do không đảm bảo kích cỡ 100% đạt nửa mét trở lên; hầu hết các cảng cá hiện nay cũng đã ngừng xác nhận nguyên liệu (giấy S/C) cho các lô hàng cá ngừ vằn do kích thước cá khai thác nhỏ hơn quy định của Nghị định 37.
"Trong khi đó, giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 là cao điểm vào vụ khai thác cá ngừ vằn của ngư dân Việt Nam. Cá ngừ vằn chiếm trên 85% sản lượng khai thác các loài cá ngừ của Việt Nam, là sản phẩm chính và thế mạnh của Việt Nam để tận dụng tối đa Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại. Diễn biến tác động tiêu cực của quy định trên đang ngày càng sâu sắc đến các ngư dân khai thác ngừ vằn, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung. Còn cộng đồng nhóm doanh nghiệp cá ngừ cũng đang không thể thu mua và tích trữ cá ngừ vằn chuẩn bị cho sản xuất cuối năm để cung ứng cho thị trường châu Âu vào đầu năm 2025. Nếu quá trình thực thi pháp luật, như trường hợp 'cá ngừ vằn nửa mét' kể trên, không triệt để trong giai đoạn Nghị định đang hiệu lực thì tiềm ẩn rủi ro rất lớn khi chúng ta đang chưa 'rút' được thẻ vàng và EU đang tiếp tục xem xét, thanh tra công tác thực thi pháp luật thủy sản của Việt Nam", công văn của VASEP phân tích.
Đáng nói, trong khi tàu cá của chúng ta không khai thác được cá ngừ vằn vì rào cản quy định kích thước tối thiểu nói trên thì tàu cá các nước lân cận thì vẫn được phép khai thác bình thường (vì các nước không có quy định giống Việt Nam). Ngay chính EU cũng không có quy định kích thước khai thác tối thiểu với cá ngừ vằn; các tàu cá của Tây Ban Nha và các nước EU vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1 kg. EU bảo vệ nguồn lợi hải sản bằng các biện pháp như "hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác…, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu.
Đối với quy định tréo ngoe này, ngư dân bắt buộc phải đầu tư chi phí để thay đổi ngư cụ mới có kích thước mắt lưới mới, phù hợp đến việc ghi chép nhật ký, kiểm soát kích cỡ của loài mà ngư dân khai thác được. Thực tế hiện nay, nhiều tàu cá vào cảng không được cấp biên bản bốc dỡ tại cảng do vi phạm về kích cỡ hải sản khai thác. Vì vậy, nguy cơ có thể một bộ phận ngư dân ở miền Trung sẽ dừng việc đi biển.
Vì tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của vấn đề liên quan đến sinh kế sản xuất kinh doanh bình thường của ngư dân, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Nghị định 37 tại một số nội dung trong thời gian sớm và phù hợp nhất. Đặc biệt VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh, giải quyết vấn đề trên trong thời gian chờ sửa Nghị định do mùa vụ cao điểm của cá ngừ vằn chỉ đến cuối tháng 9.
Bình luận (0)