Kiến nghị cần có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử tại cây xăng

08/12/2023 09:51 GMT+7

Ngày 8.12, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai, cho hay đơn vị đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về những khó khăn trong việc áp dụng hóa đơn điện tử tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu và có một số đề xuất, kiến nghị.

Theo các doanh nghiệp dầu khí, kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Đồng Nai, việc xuất hóa đơn bán lẻ ở trạm xăng dầu để chống thất thu và buôn bán hàng không hóa đơn là việc làm cần thiết cho toàn bộ nền kinh tế. Song, do đặc thù của ngành xăng dầu, các doanh nghiệp cho rằng, cần phải có lộ trình để đầu tư các hạng mục cần thiết.

Trong đơn thư gửi các cấp, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai trình bày: Trong bối cảnh chúng ta trải qua hai năm đại dịch Covid-19, giá cả biến động khiến doanh nghiệp xăng dầu không có lợi nhuận, lãi vay ngân hàng cao chót vót, kinh tế chậm phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài. "Thực tế, nhiều doanh nghiệp không trụ nổi dẫn đến bán trạm xăng dầu hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh", Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai thông tin.

Kiến nghị cần có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử tại cây xăng - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị việc áp dụng hóa đơn điện tử tại cây xăng cần có lộ trình...

H.H

Đặc biệt, do đặc thù địa hình khác nhau của Đồng Nai là trải dài từ phố đến vùng bán sơn địa, mỗi huyện đều có đặc thù riêng nên việc đầu tư cũng không đồng bộ, việc đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện sẽ rất khó. Chẳng hạn, một cửa hàng xăng dầu nhỏ nhất cũng có 2 trụ bơm (phổ biến 4 - 5 trụ bơm), chi phí đầu tư cho mỗi trụ bơm để kết nối xuất hóa đơn tốn khoảng 30 triệu đồng. Hiện giờ, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 500 doanh nghiệp, ước tính mỗi doanh nghiệp có 4 trụ bơm xăng, tổng mức đầu tư lên đến 60 tỉ đồng. Chưa kể nhân lực điều hành cần được đào tạo, hệ thống phần cứng, phần mềm. Trong khi mức chiết khấu cho mỗi lít xăng rất thấp, có lúc giá 0 đồng nên sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo hiệp hội này, việc xuất hóa đơn cho khách hàng khi có yêu cầu đều thực hiện, song nếu thực hiện hóa đơn điện tử từng lần "nhấc cò", với chi phí mỗi tờ hóa đơn là 300 - 500 đồng, sẽ khiến chi phí chung của doanh nghiệp nhỏ đội lên quá lớn.

Ngoài ra, hiệp hội nêu khó khăn là với một bộ phận doanh nghiệp đầu tư vào những năm 1985 - 1995 đến nay công nghệ đã lạc hậu, muốn thực hiện được hóa đơn điện tử phải đầu tư lại toàn bộ với mức đầu tư rất lớn. Chưa kể tại khu vực vùng sâu vùng xa, đường truyền tải mạng không ổn định, hạ tầng công nghệ yếu sẽ khó thực hiện.

Từ đó, Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai đề xuất: "Các cơ quan chức năng cho phép chúng tôi vận động doanh nghiệp chuyển đổi từng phần có lộ trình từ 1 - 2 năm. Do xăng dầu có đặc thù riêng nên cần có lộ trình và thời gian để thực hiện trên tinh thần thượng tôn pháp luật và tự nguyện bỏ tiền đầu tư cho phù hợp".

Trước Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai, một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khác cũng có thư kiến nghị và trình bày khó khăn về chi phí đầu tư, chi phí sử dụng... khi áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán tại cửa hàng xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, đối với các khách hàng lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu thực hiện lập hóa đơn điện tử với đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định. Đối với khách hàng không lấy hóa đơn, cửa hàng xăng dầu cũng phải lập hóa đơn, tuy nhiên, việc xuất hóa đơn điện tử đối với trường hợp này là cho khách hàng cá nhân không kinh doanh nên trên hóa đơn không nhất thiết phải có đầy đủ các chỉ tiêu (không cần thông tin người mua)…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.