Kiến nghị cấp huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gấp cho Tây Nguyên

25/06/2020 19:47 GMT+7

Mặc dù dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp với nhiều ca mắc nhưng Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên chưa có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu .

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu xảy ra tại tỉnh Đắk Nông, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Phó trưởng bộ môn nhiễm Đại học Y Dược TP.HCM, đã trực tiếp tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (trực thuộc Sở Y tế Đắk Lắk) - nơi tiếp nhận điều trị trực tiếp các trường hợp bạch hầu của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.

Bệnh nhân bạch hầu tại TP.HCM đã được cách ly, chữa trị thế nào?

Một ca tử vong, một ca đang rất nặng
Chiều 25.6, thông tin từ TS.BS Vĩnh Châu cho biết, tính đến thời điểm khảo sát, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ bạch hầu, trong đó có 6 ca dương tính (2 ca đã xuất viện, 4 ca đang được điều trị tại Khoa Nhi).
Trong những ca đang điều trị, ghi nhận có bệnh nhi Giàng A Ph. (13 tuổi, dân tộc H’mông), nhập viện vì sốt, ho, đau họng ngày thứ 4, chưa chích ngừa bạch hầu trước đây. Bệnh nhi có diễn tiến cổ bạnh, sốt liên tục, tăng tiết đàm, vẻ nhiễm trùng nhiễm độc. Kết quả quả xét nghiệm PCR dương tính bạch hầu type sinh độc tố, tăng troponine I, tràn dịch màng tim trên siêu âm, nhịp nhanh xoang.
Bệnh nhi được chẩn đoán: Bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp. Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng kháng sinh tĩnh mạch, mở khí quản, hỗ trợ ô xy.
Qua thăm khám trực tiếp bệnh nhân và thảo luận với đơn vị, chuyên gia của đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đưa ra phương hướng điều trị tiếp theo, gồm: Đặt máy tạo nhịp tim (vì đã có biến chứng tổn thương tim), áp dụng các biện pháp hỗ trợ tim mạch bao gồm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc hỗ trợ tim (ức chế men chuyển liều thấp, lợi tiểu liều thấp,…).
Khoa Nhi, Khoa Tim mạch học can thiệp của Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên và các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiến hành thực hiện đặt máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân. Hiện tình trạng bệnh nặng, còn khả năng diễn biến rất phức tạp, nên có thể xem xét khi tình trạng bệnh nhân tạm ổn sẽ chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM để tiếp tục hồi sức tích cực và theo dõi sát.

Nhân viên y tế lấy mẫu người dân trong vùng dịch bạch hầu ở Đắk Nông

ẢNH: CTV

Trước đó, ngày 20.6, Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng đã tiếp nhận 1 bé gái 9 tuổi, người dân tộc H’mông được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận do Bệnh viện đa khoa Đắk Nông chuyển. Bệnh nhân đã tử vong sau hơn 2 giờ nhập viện.

Bệnh bạch hầu là gì và nguy hiểm như thế nào?

Cử bác sĩ hồi sức bệnh nhân bạch hầu lên Tây Nguyên
Đoàn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã cùng với ban giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nguyên và các bác sĩ Khoa Nhi thảo luận trao đổi một số vấn đề về quản lý bệnh nhân, kế hoạch theo dõi, chăm sóc điều trị các bệnh nhân bạch hầu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, theo TS.BS Vĩnh Châu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng cử 1 bác sĩ có kinh nghiệm hồi sức bệnh nhân bạch hầu ác tính ở lại để trực tiếp hỗ trợ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Theo TS.BS Châu, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên dù được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị y tế cho điều trị bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, hiện tại huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD) vẫn chưa có để sử dụng. Điều này là một thách thức rất lớn cho cán bộ y tế trong điều trị bệnh bạch hầu tại bệnh viện này nói riêng và các đơn vị nằm trong vùng dịch nói chung. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã có báo cáo nhanh kết quả giám sát công tác điều trị và kiến nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế xem xét hỗ trợ nguồn cung cấp SAD cho các đơn vị trong thời gian sớm nhất có thể, để công tác điều trị dịch bạch hầu đạt hiệu quả cao nhất.
Tháng 6 đã có 15 ca mắc bạch hầu tại Đắk Nông
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong tháng 6 năm 2020 ghi nhận 15 trường hợp mắc bạch hầu tại Đăk Nông. Trong đó, có 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk Sor, huyện Krông Nô và 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong (trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa).
Theo Bộ Y tế, khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
 
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM là bệnh viện chuyên khoa về bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới. Bệnh viện còn chịu trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật về các bệnh truyền nhiễm cho các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam. Lần này, bệnh viện đi hỗ trợ phòng chống dịch bệnh bạch hầu tại Tây Nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.