Đó là kiến nghị của nhiều đại biểu tại hội thảo triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Phát triển bền vững cây mắc ca, giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tại Lai Châu, ngày 29.7 vừa qua.
Ông Triệu Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp, phát biểu tại hội nghị |
Phan Hậu |
Xây dựng mô hình trồng mắc ca tập thể, theo nhóm hộ
Đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh Tây Bắc cho rằng, cây mắc ca phù hợp với khí hậu, đất đai ở khu vực này và có nhiều điều kiện phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn.
Ông Nguyễn Xuân Cát, Chủ tịch HĐQT HTX cựu thanh niên xung phong H.Tân Uyên (Lai Châu), dẫn chứng 1,5 ha chè của gia đình trồng xen 224 cây mắc ca từ năm 2012, chỉ 3 năm đã bói quả. Năm thứ 4, vườn cho thu 500 kg và năm nay, sản lượng tăng lên 7 tấn quả. Ông Cát đang bao tiêu toàn bộ mắc ca ở địa phương làm nguyên liệu sản xuất bột ngũ cốc, tinh dầu, nhân mắc ca sấy và mắc ca nguyên vỏ sấy nứt. Các sản phẩm được tỉnh Lai Châu chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
“Trồng mắc ca xen với chè trên cùng một diện tích lại có 2 nguồn thu. 1 ha chè mỗi năm lãi 70 triệu đồng khi trồng xen mắc ca thì lãi gấp 3 lần chè”, ông Cát nói.
Mô hình cây mắc ca trồng xen chè tại H.Tân Uyên, tỉnh Lai Châu |
Phan Hậu |
Cũng theo ông Cát, ở các địa phương có diện tích trồng nhỏ lẻ, phân tán thì nên xây dựng các mô hình theo nhóm hộ hoặc tập thể, để thiết lập các điểm thu mua, chế biến. Nhiều hộ dân cùng trồng sẽ thành vùng nguyên liệu tập trung, phục vụ chế biến quy mô lớn.
Ông Nguyễn Lân Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, khẳng định cây mắc ca đã chứng minh giá trị kinh tế ở Tây Bắc. Nông dân muốn trồng nhưng khó nhất là cây giống. “Đảng và nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế ở miền núi, địa phương nên lồng ghép mắc ca vào các chương trình, dự án để hỗ trợ cây giống cho dân. Còn về “đầu ra”, địa phương và bà con cứ yên tâm. Sản lượng mắc ca không đủ tiêu thụ trong nước, tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Doanh nghiệp không thiếu tiền đầu tư nhà máy chế biến, khi nguyên liệu dồi dào thì sẵn sàng làm nhà máy ngay”, ông Hùng nói.
Nhiều ngân hàng cùng cho vay để khơi thông vốn trồng mắc ca
Một trong những vấn đề nhiều địa phương băn khoăn là nguồn vốn đẩy nhanh diện tích mắc ca.
Đại diện doanh nghiệp góp ý các địa phương trồng mắc ca phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để thuận lợi xuất khẩu |
Phan Hậu |
Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu, khẳng định địa phương này đã “vững tin phát triển mắc ca”. Lai Châu có 6 doanh nghiệp trồng mắc ca tập trung với 12 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất trên 10.400 ha, tổng vốn lên tới 1.600 tỉ đồng nhưng vẫn còn quỹ đất trên 200.000 ha có thể mở rộng trồng mắc ca.
Ông Châu thẳng thắn cho rằng, để phát triển nhanh diện tích mắc ca thì cần có cơ chế chính sách riêng, nếu áp dụng các chính sách chung hiện nay sẽ khó thành công. Nhà nước chưa thực sự quan tâm, có chính sách đầu tư, vốn tín dụng để phát triển mắc ca, khi chỉ có Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho vay vốn.
Để thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đầu tư thì chính sách tín dụng (hỗ trợ lãi suất, thời gian ân hạn trả gốc…) cho vay không chỉ từ lúc trồng chăm sóc, thu hoạch, bảo quản thậm chí phải cho vay thu mua, chế biến tạo động lực thu hút đầu tư vào mắc ca.
Vườn cây mắc ca của ông Cát đang ở năm thứ 10 kinh doanh, cho lãi cao gấp 3 lần so với trồng chè |
P.Hậu |
“Chính sách tín dụng phải huy động nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng cùng vào cuộc, giúp nông dân, doanh nghiệp thuận lợi vay vốn. Nếu mắc ca trồng, thu hoạch tới đâu mà bán được giá, bán hết đến đấy sẽ tạo ra lực kích cầu mạnh thì tự khắc diện tích mắc ca tăng rất nhanh”, ông Châu nói.
Ông Trần Văn Thượng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên, cho biết địa phương này cấp phép 11 dự án với 80.000 ha. Mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 70.000 ha nhưng mỗi năm chỉ tăng được 5.000 - 7.000 ha.
“Chỉ có một ngân hàng tài trợ vốn thì e rằng dự án khó đạt tiến độ. Các dự án liên kết với nông dân nếu giải ngân chậm hay vỡ tiến độ, người dân sẽ mất niềm tin vào cây mắc ca. Bộ NN-PTNT nên nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ huy động nhiều ngân hàng thương mại cùng cho vay vốn trồng mắc ca”, ông Thượng đề xuất.
Bình luận (0)