Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng vừa có báo cáo khảo sát về tình hình việc làm và chính sách hỗ trợ người lao động gửi Thủ tướng.
Báo cáo nhận định có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023. Cùng với việc cắt giảm nhân lực của các doanh nghiệp, xu hướng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần chưa dừng lại.
Để hạn chế tình trạng này, Ban VI đề xuất cần giải pháp trước mắt là cho phép doanh nghiệp, lao động không phải thu nộp kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên mà được giữ lại để hỗ trợ người lao động đến hết năm 2024.
Đoàn phí và kinh phí công đoàn là các khoản tài chính công đoàn, được sử dụng cho hoạt động thực hiện quyền, trách nhiệm của công đoàn và duy trì hoạt động của hệ thống công đoàn.
Hai khoản này do doanh nghiệp và lao động là đoàn viên công đoàn phải đóng hàng tháng. Doanh nghiệp trích 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH và người lao động 1%. Mức trích nộp kinh phí công đoàn năm 2023 là 25%, mức trích này nộp cho công đoàn cấp trên (các cấp), còn tỷ lệ kinh phí công đoàn được giữ lại cho công đoàn cơ sở là 75% để tổ chức chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch; khen thưởng, động viên con em người lao động; hỗ trợ đoàn viên công đoàn khi ốm đau. Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn chi gián tiếp thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng cho người lao động…
Ngoài đề xuất trên, Ban IV còn kiến nghị Chính phủ giãn, hoãn các khoản khác liên quan BHXH hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới phù hợp thực tiễn để người lao động dồn nguồn lực trang trải các nhu cầu cuộc sống, giảm áp lực lẫn kỳ vọng vào khoản tiền rút BHXH một lần.
Trước đó, đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đề nghị Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam sớm nghiên cứu sử dụng nguồn kinh phí công đoàn để hỗ trợ đoàn viên và người lao động bị mất việc làm hoặc bị cắt giảm việc làm, đặc biệt là người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Khảo sát gần 9.560 doanh nghiệp của Ban IV trong tháng 4 cho thấy, có 82% cho biết sẽ giảm quy mô, tạm dừng hoặc ngừng kinh doanh trong nửa năm còn lại. Hơn 7.300 doanh nghiệp cho biết vẫn hoạt động song 71% số này có kế hoạch cắt giảm lao động (khoảng 5.200 công ty), nhiều nhất ở hai lĩnh vực xây dựng và công nghiệp. Doanh nghiệp cắt giảm phần lớn là ngoài nhà nước và một nửa trong số này hoạt động tại TP.HCM, Bình Dương.
Doanh nghiệp cũng muốn giảm chi phí lao động thông qua giảm tiền đóng BHXH, kinh phí công đoàn hoặc xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp thực tế.
Để tiếp cận nguồn vốn vay, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giảm mạnh lãi suất vay cho thuê, mua nhà ở xã hội để số đông công nhân, lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng này.
Bình luận (0)