Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc tỉnh Thừa Thiên - Huế về 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2021 - 2025: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết sau 2 năm triển khai thực hiện các CTMTQG, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn, đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện…
Với kết quả đó, mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%; 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo; 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn lại 2 - 2,2%.
Còn vướng mắc trong giải ngân vốn T.Ư
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trong quá trình thực hiện các CTMTQG vẫn còn tồn tại các hạn chế, cụ thể liên quan việc giải ngân các nguồn vốn T.Ư.
Theo đó, tính đến ngày 19.7, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn của tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 34,2%. Theo ông Phương, khó khăn vướng mắc do chưa có hướng dẫn đầy đủ của T.Ư hoặc còn nội dung hướng dẫn chưa thống nhất giữa các văn bản do bộ, cơ quan T.Ư ban hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn để địa phương thực hiện đồng bộ tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành T.Ư sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung còn vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản do cấp bộ ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận sự chỉ đạo linh hoạt, bám cơ sở, có những tư duy mới, cách làm khoa học của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong quá trình thực hiện các CTMTQG.
Phó chủ tịch Quốc hội lưu ý Thừa Thiên - Huế tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội, bổ sung hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát. Trong đó, lập danh mục các nội dung còn khó khăn, vướng mắc; các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các bộ, ngành về từng chương trình, các dự án, tiểu dự án.
Về các kiến nghị của tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận và sẽ có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, giúp Thừa Thiên - Huế sớm đạt được những mục tiêu đề ra.
Bình luận (0)