Kiến nghị 'hút' vốn ngoại để vực dậy thị trường bất động sản nội

13/07/2023 13:47 GMT+7

Tại Hội thảo quốc tế "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" do Bộ Xây dựng phối hợp với Tạp chí Nhà Đầu Tư tổ chức ngày 13.7, nhiều ý kiến cho rằng cần gia tăng thêm dòng vốn FDI vào bất động sản.

5 kiến nghị để tăng vốn FDI vào bất động sản

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, cho rằng cần có chính sách tốt để tiếp tục thu hút vốn FDI vào bất động sản. Trong những năm qua, việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam: bất động sản công nghiệp, nhà ở và chung cư cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản chăm sóc sức khỏe... đã tăng lên rõ rệt bên cạnh loại hình truyền thống như bất động sản nhà ở.

Kiến nghị 'hút' vốn ngoại để vực dậy thị trường bất động sản nội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần thu hút thêm vốn FDI để hỗ trợ vực dậy thị trường bất động sản

LÊ QUÂN

Ông Tuấn cho biết, đến nay, cả nước đã thu hút được hơn 37.500 dự án với tổng vốn đầu tư đạt gần 450 tỉ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có 1.100 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 66,4 tỉ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo.

Đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu tư là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản.

Về địa phương đã có 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó TP.HCM dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỉ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn.

Để thu hút thêm vốn ngoại vào cho thị trường bất động sản nội, ông Tuấn cho rằng, thứ nhất cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường bất động sản, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...) phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thứ hai, chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.

Kiến nghị 'hút' vốn ngoại để vực dậy thị trường bất động sản nội - Ảnh 2.

Đông đảo chuyên gia trong và ngoài nước tham dự, nêu ý kiến trong hội thảo

LÊ QUÂN

Thứ ba, khẩn trương điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường bất động sản. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản.

Thứ năm, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai.

Thị trường bất động sản nội chờ dòng vốn ngoại

Đẩy nhanh sửa luật để hỗ trợ vực dậy bất động sản

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định, bất động sản là ngành quan trọng trong phát triển kinh tế tại nhiều quốc gia và Việt Nam. Trung bình, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%).

Kiến nghị 'hút' vốn ngoại để vực dậy thị trường bất động sản nội - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn bày tỏ cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam.

LÊ QUÂN

Tuy nhiên, vài năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức và nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Bộ Xây dựng đã chủ trì soạn thảo dự thảo luật Nhà ở sửa đổi và luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Hai dự án luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào tháng 5 vừa qua và đang tiếp tục hoàn thiện để dự kiến thông qua vào Kỳ thứ 6, Quốc hội khóa XV vào tháng 11.2023.

Ông Văn đánh giá, việc sửa đổi, hoàn thiện 2 đạo luật lần này sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và bất động sản, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam. Bộ Xây dựng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Cần tập trung vào nhà ở xã hội và bất động sản công nghiệp

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), cho biết, thị trường bất động sản đang trầm lắng ở nhiều phân khúc, tăng nhẹ ở phân khúc nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp. Nếu tập trung giải quyết các nhóm khó khăn, vướng mắc nêu trên và giảm mức lãi suất thì đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ dấu hiệu phục hồi rõ hơn, nhiều sản phẩm bất động sản ra thị trường.

Kiến nghị 'hút' vốn ngoại để vực dậy thị trường bất động sản nội - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch VNREA nêu ý kiến cần giảm lãi suất, khơi thông vốn trái phiếu để giúp bất động sản vượt khó

LÊ QUÂN

Theo ông Khôi, mức lãi suất cho vay nhà ở thương mại phù hợp với thu nhập, kiến nghị dưới 7%/năm; nhà ở xã hội: với doanh nghiệp, kiến nghị dưới 6%/năm; với người mua nhà dưới 4,5%/năm; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, kiến nghị dưới 9%/năm; bất động sản nhà ở cao cấp, kiến nghị từ 9 - 10%/năm.

Bên cạnh đó, ông Khôi đề nghị cần có cơ chế hữu hiệu khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và hướng dẫn doanh nghiệp chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nhiệp đúng quy định pháp luật; giãn nợ cho doanh nghiệp những khoản nợ đến kỳ hạn trả nợ; rút gọn quy trình thủ tục đầu tư, nhất là với dự án nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ...

Về giải pháp trong dài hạn, cần sớm ban hành sửa đổi luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản đồng bộ, tránh chồng chéo; các cơ chế chính sách đủ hấp dẫn với chủ đầu tư và nhà đầu tư, khách hàng mua bất động sản...

Đối với doanh nghiệp, cần cơ cấu lại sản phẩm, ưu tiên vào phân khúc phù hợp nhu cầu đại đa số người dân; quản trị lại doanh nghiệp, xác định lại giá thành để hạ giá bán hợp lý trên thị trường; đàm phán với nhà đầu tư về các phương án giãn hoãn nợ, hàng đổi hàng…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.