Kiến nghị kiểm soát thịt gà thải loại nhập về cho người ăn

28/04/2023 09:11 GMT+7

Chăn nuôi gia cầm trong nước thua lỗ vì giá bán thấp, trong khi nhiều quy định kiểm soát lỏng lẻo đã khiến cho thịt gà nhập khẩu, trong đó có các loại phế phẩm thải loại tràn vào chiếm lĩnh thị trường dành cho người ăn.

Kiến nghị kiểm soát thịt gà thải loại nhập về cho người ăn - Ảnh 1.

Sản phẩm gia cầm trong nước đang gặp khó khăn vì giá thành sản xuất cao, thịt gà nhập khẩu ngày càng lấn át

ĐINH ĐANG

Ngày 27.4, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị "Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới". Trong thời gian qua, mặc dù ngành chăn nuôi gia cầm có tăng trưởng tương đối cao nhưng giá bán sản phẩm gia cầm luôn ở dưới giá thành sản xuất, dẫn đến thua lỗ cho người chăn nuôi. 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), mặc dù chăn nuôi gia cầm có tăng trưởng tương đối cao nhưng kém bền vững. Chưa bao giờ người chăn nuôi gia cầm ngắn ngày mà phải nuôi tới trên 100 ngày, gà thịt phải nuôi thành gà đẻ. Thương lái lợi dụng "giải cứu" trứng để ép người chăn nuôi.

"Trong khi đó, trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gia cầm nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm từ 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, một khối lượng lớn gà sống thải loại ước khoảng 200.000 - 250.000 tấn/năm được nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới. Chưa kể đến việc đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm… nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn" - ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị. 

Theo lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi trong nước đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.

"Đã đến lúc có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua. Đề nghị các bộ, ngành sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế", ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị. 

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định: "Thời gian vừa qua, giá bán sản phẩm chăn nuôi luôn dưới giá thành sản xuất, đặc biệt gà lông trắng. Nguyên nhân là do nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng rất cao.  Đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con.  Sức tiêu dùng trong nước lại có hạn, điều này dẫn tới cung lớn hơn cầu".

"Để tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu, bên cạnh việc tuân thủ các điều kiện đã ký kết về thương mại, Việt Nam cũng xây dựng các tiêu chuẩn để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm. Điều này sẽ đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như người chăn nuôi trong nước", ông Tống Xuân Chinh khẳng định. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo: "Tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi trong thời gian qua tương đối nhanh nhưng chưa bền vững, đặc biệt là biến động mạnh về giá cả, lợi nhuận người chăn nuôi và lợi ích người tiêu dùng. Một số công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tiến trình hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện ở các cấp trong thời gian tới". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.