Kiến nghị mở hội nghị bàn rút ngắn chương trình giáo dục do ảnh hưởng Covid-19

10/04/2020 15:29 GMT+7

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kiến nghị Chính phủ nghiên cứu mở hội nghị chuyên đề liên quan đến rút ngắn chương trình giáo dục , vì có tới 25 - 26 triệu học sinh và giáo viên đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 .

Hà Nội muốn chỉ định thầu một số dự án

Sáng 10.4, tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành cả nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh việc tập trung tất cả các nguồn lực, thời gian cho phòng, chống Covid-19; Việt Nam cũng phải đảm bảo vận hành thông suốt hệ thống chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại kinh tế và tìm dư địa để duy trì tăng trưởng.
Theo ông Huệ, Hà Nội đang phấn đấu để giảm thiểu thiệt hại, cố gắng phấn đấu tăng trưởng cao hơn mức bình quân của cả nước khoảng 1,3 lần trở lên. Đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Thành uỷ đã chỉ đạo và sẽ thành lập một “tổ đặc nhiệm” để rà soát, giải quyết tất cả các điểm nghẽn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng.
“Chúng tôi muốn Chính phủ và Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Chúng tôi đang mong muốn các công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt là đường vành đai 3 trên cao từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long, quyết tâm tới tháng 9 này sẽ hoàn thành, như một công trình chào mừng Đại hội Đảng thành phố. Các dự án trọng điểm khác của thủ đô cũng đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh”, ông Huệ nêu ý kiến.
Về thể chế, chính sách, Hà Nội đề xuất với Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như TP.HCM, để “giúp giảm hàng trăm ngày trong quy trình giải phóng mặt bằng”.
Thứ hai, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế đặc thù cho thủ đô để có điều kiện đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng. Theo ông Huệ, “HĐND sẵn sàng họp bất thường trong tháng này để giải quyết tất cả những vấn đề tồn đọng, thúc đẩy sản xuất”.
Bên cạnh giải quyết vướng mắc liên quan đến luật Đầu tư công, Hà Nội cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cho các địa phương tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian đầu triển khai, do một số điều kiện bất khả kháng như hiện nay chưa thể tổ chức đấu thầu.

46.000 người trong hệ thống giáo dục Hà Nội bị ảnh hưởng, chưa có chính sách hỗ trợ

“Một loạt các doanh nghiệp công ích trên tất cả các lĩnh vực như thuỷ lợi, giáo dục đào tạo, phát thanh truyền hình hiện nay đang ách tắc, chưa giải quyết được. Đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông để trình Thủ tướng được lựa chọn nhà đầu tư theo điều 26 luật Đấu thầu, trên cơ sở là kiểm toán vào cuộc rà soát, kiểm định trước dự toán và cắt giảm trước khoảng 5 - 7% dự toán, để chúng ta đẩy nhanh các dự án”, Bí thư Thành ủy Hà Nội kiến nghị.
Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để mở hội nghị chuyên đề về giáo dục - đào tạo, nhằm thống nhất nhất quán và cập nhật liên quan đến rút ngắn chương trình giáo dục hiện nay, vì Covid-19 đang ảnh hưởng tới 25 - 26 triệu học sinh và giáo viên.
Ngoài ra, ông Huệ cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu những chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là cơ sở giáo dục đã tự chủ tài chính, hiện rất khó khăn do nguồn thu sụt giảm.
“Riêng giáo dục ngoài công lập của Hà Nội, thống kê có 46.000 người bị ảnh hưởng mà chưa nằm trong chính sách hỗ trợ nào”, ông Huệ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.