Kiến nghị mới về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội

18/06/2021 18:47 GMT+7

Tại Hội nghị tổng kết Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2015 - 2020, T.Ư Đoàn kiến nghị Chính phủ tiếp tục phê duyệt Đề án bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2021 - 2025.

Chiều 18.6, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị tổng kết Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2015 - 2020 (gọi tắt là đề án) với sự tham dự của ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam và các Bí thư T.Ư Đoàn.

Mở rộng đối tượng bồi dưỡng 

 Theo báo cáo của T.Ư Đoàn, sau 5 năm thực hiện đề án, đã hình thành hệ thống, nề nếp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ; hình thức bồi dưỡng, tập huấn liên tục đổi mới, đa dạng; các hoạt động thực tế phong phú, ý nghĩa...
Cụ thể như: báo cáo viên là những chuyên gia, nhân vật có ảnh hưởng trong giới trẻ và các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, doanh nhân thành đạt có phương pháp sư phạm, khả năng thuyết phục, truyền lửa; giảm phần lý thuyết, tăng thời gian thực hành gắn với việc tiếp cận với các mô hình thực tế sát với yêu cầu của học viên.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến do dịch Covid-19

Ảnh Ngọc Thắng

Việc đào tạo cũng đảm bảo nội dung và chất lượng học trực tuyến để thích ứng nhanh với nhu cầu học từ xa của học viên và phù hợp với các khuyến cáo phòng dịch khi có những diễn biến phức tạp của bệnh dịch Covid-19, phát sinh vào cuối chu kỳ thực hiện đề án.
Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã kiến nghị Chính phủ phê duyệt đề án bồi dưỡng cán bộ Đoàn giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng bổ sung số lượng lớp và lượt bồi dưỡng cho đối tượng là Bí thư tỉnh Đoàn; tăng chế độ hỗ trợ đi học cho Bí thư xã Đoàn; mở rộng nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng; công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên ở những vùng tập trung số lượng thanh niên lớn như khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị, làng đại học...; mở rộng đối tượng bồi dưỡng cho Bí thư xã Đoàn khu vực bãi ngang, ven biển, vùng đặc biệt khó khăn.

Cần tăng tính ứng dụng

Thảo luận tại hội nghị, đa số các ý kiến thống nhất với báo cáo của T.Ư Đoàn và cho biết đề án rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn và phong trào thanh thiếu niên. Anh Nguyễn Tuấn Nam, Bí thư Tỉnh đoàn Lạng Sơn, cho rằng khi có đề án, đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện nhiều hơn để đào tạo bồi dưỡng cán bộ Đoàn và chất lượng trình độ cán bộ được nâng lên rất nhiều.
Đồng thời, các đại biểu đã đề xuất một số giải pháp trong đó cần đổi mới nội dung chương trình. Ông Nguyễn Thứ Mười, Hiệu trưởng Trường Lê Duẩn, cho rằng cần tiếp tục triển khai đề án và đổi tên là Đề án bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội vì đề án không chỉ đào tạo cán bộ Đoàn; thời gian tổ chức đào tạo cần tăng lên để có thời gian tổ chức hoạt động thực tế, hình thành năng lực thực tiễn cho học viên.

Đại biểu tham luận tại hội nghị

Ảnh Ngọc Thắng

Nhiều đại biểu cũng đề xuất cần tăng thời lượng hoạt động thực tế cho học viên. Anh Đào Phú Thùy Dương, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, cho biết khung đào tạo về lý luận cơ bản giống nhau từ cấp thấp đến cấp cao, vì vậy, khi đào tạo với cán bộ cấp huyện, tỉnh, thì nhiều nội dung bị trùng lắp do hầu hết những cán bộ này đã được học ở những chương trình khác.
Vì vậy, anh Dương đề nghị cần rút gọn nội dung này khi đào tạo đến cấp cao, để tập trung vào mời chuyên gia giảng dạy sâu hơn kiến thức thực tế.
Anh Lê Văn Lương, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An, cũng cho rằng chương trình còn nặng lý thuyết, nhẹ kỹ năng, thiếu ứng dụng, vì vậy, cần đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, tăng tính ứng dụng hơn.

Nâng cao khả năng tự học

Kết luận hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đề án đã góp phần thể chế hóa quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước, luật Thanh niên…, nhờ đó tổ chức Đoàn đã xây dựng được chương trình, giáo trình bài giảng và tổ chức được việc đào tạo cán bộ Đoàn.
“Đề án đã góp phần chuẩn hóa, trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa cán bộ Đoàn. Chúng ta là lớp cán bộ Đoàn mới năng động hơn, có kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của công tác Đoàn, Hội, Đội. Các cán bộ Đoàn có bước trưởng thành nhất định và nhiều người trúng cử, tham gia vào cấp ủy, Quốc hội, HĐND các cấp”, anh Tuấn nói.
Theo anh Tuấn, đề án tạo được sự đồng bộ trong ý thức tự học, tự rèn trong cán bộ Đoàn các cấp; nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp hoạt động của cán bộ Đoàn. “Sau 5 năm chúng ta có được chương trình, giáo trình tương đối đầy đủ bài bản, là nền tảng cơ sở để tiếp tục hoàn thiện đề án trong thời gian tới; các cán bộ am hiểu hơn về phong trào thanh thiếu nhi, nắm chắc kỹ năng hơn”, anh Tuấn khẳng định.
Anh Tuấn đề nghị Ban Tổ chức T.Ư Đoàn và Học viện Thanh thiếu niên cần khẩn trương hoàn thiện đề án mới để xin ý kiến các cơ quan chức năng trước khi trình Chính phủ. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, phù hợp với bối cảnh mới, đảm bảo cán bộ Đoàn phải có năng lực số và đến năm 2030 phải làm việc được trong môi trường quốc tế.
Anh Tuấn cũng đề nghị các cán bộ Đoàn phải nâng cao khả năng tự học, trau dồi kỹ năng để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.