VCCI vừa gửi Bộ Tài chính góp ý dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi (dự thảo). Trong đó, VCCI phân tích: hiện nay, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện biếu tặng cho trong nước vì mục đích từ thiện vẫn thuộc diện chịu thuế với giá tính thuế được xác định bằng với giá của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh hoạt động này.
Dự thảo mới chỉ coi hàng hóa nhập khẩu ủng hộ, tài trợ cho phòng, chống thiên tai, thảm họa dịch bệnh, chiến tranh được xếp vào diện không chịu thuế. Nói cách khác, hàng hóa cho biếu tặng với mục đích từ thiện nhập khẩu thì không phải chịu thuế giá trị gia tăng, còn hàng hóa dịch vụ cho biếu tặng trong nước vì mục đích từ thiện vẫn phải chịu thuế.
Theo VCCI, pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đã coi chi phí ủng hộ địa phương đoàn thể, tổ chức xã hội, chi từ thiện… là chi phí được trừ.
Trong trường hợp doanh nghiệp cho biếu tặng hàng hóa, dịch vụ vì mục đích từ thiện, doanh nghiệp không phát sinh doanh thu. Nếu phải nộp thuế giá trị gia tăng cho lượng hàng hóa, dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tiền từ nguồn thu khác.
"Trong trường hợp thiên tai địch họa khẩn cấp như dịch bệnh Covid vừa qua, không ít doanh nghiệp đã dừng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường để chuyển sang cung cấp hàng hóa, dịch vụ phục vụ chống dịch và tặng luôn cho Nhà nước. Nếu khi đó vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp thuế thì sẽ rất bất hợp lý", VCCI nêu rõ.
Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung Điều 7.1.c theo hướng hàng hóa dịch vụ dùng để tặng cho biếu với mục đích từ thiện thì giá tính thuế được xác định bằng 0.
Đề nghị cá nhân kinh doanh thu 200 triệu đồng/năm mới nộp thuế
Với nội dung ngưỡng doanh thu không chịu thuế, Điều 5.25 của dự thảo đã nâng ngưỡng doanh thu không chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.
Nhìn nhận quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế, song VCCI cũng nêu rõ, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp.
VCCI đưa ra so sánh giữa cá nhân kinh doanh và cá nhân làm công ăn lương để làm rõ sự bất hợp lý.
Hiện nay, cá nhân làm công ăn lương có mức giảm trừ gia cảnh đối với trường hợp không có người phụ thuộc là 132 triệu đồng/năm; nếu có một người phụ thuộc là 184,8 triệu đồng/năm; nếu có 2 người phụ thuộc là 237,6 triệu đồng/năm.
Với giả định trung bình, mỗi người lao động có 1 người phụ thuộc thì ngưỡng thu nhập chịu thuế đối với người làm công ăn lương hiện cao hơn ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh. Đó là chưa kể, để có thể có doanh thu, cá nhân kinh doanh sẽ phải mất các chi phí đầu vào, trong khi thu nhập cá nhân thì không có các chi phí này.
Cũng theo VCCI, các lĩnh vực khác nhau có kết cấu chi phí và mức thuế suất khác nhau, dù có thể cùng một mức doanh thu. Ví dụ, với lĩnh vực thương mại hàng hóa (như cửa hàng bán lẻ, tạp hóa) có chi phí đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu; phần thu nhập mà cá nhân kinh doanh được hưởng không lớn và số thuế thu được chỉ từ 1,5 triệu đồng/năm.
Với lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chi phí đầu vào không đáng kể, phần giá trị gia tăng làm ra lớn hơn và số thuế phải nộp cao hơn, thấp nhất 7,5 triệu đồng/năm.
Trên cơ sở phân tích, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ, cá nhân kinh doanh như sau: nâng mức doanh thu chịu thuế lên khoảng 180 - 200 triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, phân loại theo ngành nghề tương tự như tại Điều 12.2.b của dự thảo về phương pháp tính thuế trực tiếp. Ví dụ, ngành phân phối, cung cấp hàng hóa có ngưỡng cao hơn ngành dịch vụ, xây dựng…
Bình luận (0)