Đón nhận tin vui liên tiếp từ các thị trường trọng điểm, song nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng lo lắng về những điều kiện phòng dịch, cách ly mà các nước tiếp nhận đặt ra, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc xin của lao động Việt Nam còn khá thấp.
Ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển nguồn nhân lực LOD, cho hay: “Sau 1 tuần mở cửa thị trường Nhật, hiện đã có 20 lao động được cấp visa xuất cảnh sang thị trường này cuối tháng 11 và hơn 100 lao động xuất cảnh trong tháng 12. Đây là những lao động đã tiêm 1 mũi vắc xin và được sắp xếp tiêm mũi 2. Tuy nhiên, số lượng lao động còn “tồn” lại từ năm 2020 khá đông, lên đến hơn 1.000 người. Phần lớn lao động đang ở các địa phương chưa nằm trong diện được ưu tiên tiêm phòng. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng và các địa phương tạo điều kiện để lao động sớm được tiêm”.
Người lao động sang Nhật làm thủ tục tại sân bay Nội Bài thời điểm trước khi dịch bùng phát |
Đậu Tiến Đạt |
Theo ông Bình, bên cạnh việc tiêm vắc xin, công ty cũng đang tiến hành đào tạo lại cho các lao động. “Trong một thời gian dài các học viên phải học online, không được thực hành nên chất lượng đào tạo khá thấp. Nhật Bản là thị trường rất kỹ tính, vì vậy, cần phải tổ chức đào tạo lại cho lao động trước khi lên đường”.
Ông Nghiêm Quốc Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (Hoàng Long CMS), cho hay công ty đã lập kế hoạch rà soát, đào tạo lại lao động, chuẩn bị hồ sơ gửi xin visa cho các lao động.
Mặc dù phía Nhật không bắt buộc lao động nhập cảnh phải tiêm vắc xin, song để hỗ trợ các nghiệp đoàn và người lao động (NLĐ), ông Hưng cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ các lao động được tiêm vắc xin sớm nhất. Cùng với đó, chúng tôi còn hỗ trợ lao động vay vốn, đưa lao động đến thực hành trải nghiệm tại nhà máy Canon trước khi xuất cảnh. NLĐ yên tâm sẽ được hỗ trợ tốt nhất, chi phí không tăng so với trước đây”.
Ông Hưng cho biết thêm: “Nhu cầu tuyển dụng lao động của Nhật Bản và Đài Loan đều rất lớn, nhất là trong các ngành sản xuất chế tạo, y tế, điều dưỡng… Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là tỷ lệ và tốc độ tiêm vắc xin của Việt Nam còn chậm so với các quốc gia phái cử khác như Philippines, Thái Lan, Indonesia... Chúng tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, dịch bệnh tại Việt Nam sẽ được kiểm soát, tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân nói chung và NLĐ nói riêng sẽ tăng. Lúc đó, chúng ta có thể tăng số lượng lao động ra nước ngoài làm việc an toàn”.
Những nhầm tưởng về phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 |
Liên quan đến vấn đề tiêm vắc xin cho NLĐ, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho hay Bộ LĐ-TB-XH cũng vừa báo cáo Chính phủ về việc triển khai gói bảo hiểm Covid-19 cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai nghiên cứu nâng mức độ ưu tiên tiêm vắc xin cho NLĐ trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán với các quốc gia về việc công nhận hộ chiếu vắc xin; thỏa thuận hiệp định tương hỗ về chi phí điều trị Covid-19.
“Hy vọng trong 2 tháng cuối năm, độ phủ vắc xin sẽ được mở rộng, khi đó, nhiều lao động sẽ có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài”, ông Liêm nói.
Bình luận (0)