Kiến nghị tăng số lần nghỉ khám thai kỳ lên 9 lần

29/03/2024 16:37 GMT+7

Trong thời gian mang thai, thay vì được nghỉ việc đi khám thai 5 lần, Công đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị tăng số lần khám thai tương ứng với số tháng từ khi mang thai đến lúc sinh con, là 9 lần.

Góp ý vào dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, mới đây, Công đoàn Dệt may Việt Nam và Công đoàn Y tế Việt Nam đã đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, trong đó có quyền lợi về chế độ thai sản.

Kiến nghị tăng số lần nghỉ khám thai kỳ lên 9 lần- Ảnh 1.

Dự thảo luật BHXH quy định, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần

T.N

Nhu cầu khám thai nhiều hơn do ô nhiễm môi trường

Theo bà Nguyễn Thanh Hoàn, Trưởng ban Chính sách - pháp luật Công đoàn Dệt may Việt Nam, luật BHXH là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội nên việc sửa đổi sẽ có tác động rộng lớn tới nhiều đối tượng, trong đó có hàng triệu công nhân và người lao động.

Ngành Dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nhất trong các ngành kinh tế ở Việt Nam, đặc biệt là lao động nữ. Do đó, các chính sách bảo hiểm xã hội sửa đổi tác động trực tiếp đến cuộc sống của người lao động như chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí...

Theo quy định về chế độ thai sản tại dự thảo luật BHXH, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tối đa 5 lần. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày, cho 1 lần khám thai.

Tuy nhiên, đại diện Công đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, số lần khám thai tối đa 5 lần là quá ít và không nên quy định mức nghỉ khám thai tối đa bao nhiêu ngày. Bà Hoàn chia sẻ: "Trên thực tế, doanh nghiệp ngành dệt may đông lao động nữ (70 - 75%) và thường xuyên 7 - 9% lao động nữ hưởng chế độ thai sản. Hiện nay, do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nhiều, chưa kể một số trường hợp sinh con bằng phương pháp IVF, thai sinh đôi... thì nhu cầu khám thai nhiều hơn, trong khi quy định hưởng chế độ khám thai BHXH 5 lần, do đó lao động nữ phải xin nghỉ phép năm 3 - 5 ngày để đi khám thai và tiêm phòng".

Để tăng quyền lợi cho người lao động, Công đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị tăng số lần khám thai tương ứng số tháng từ khi mang thai đến khi sinh con từ 5 đến 9 lần, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ khi khám thai tối đa là 2 ngày. 

Trong trường hợp lao động nữ không sử dụng hết thời gian đi khám thai, sức khỏe đảm bảo và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền được thanh toán chế độ BHXH, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc đã làm trong thời gian được nghỉ, thời gian làm việc này không tính vào giờ làm thêm của người lao động.

Tăng số lần khám thai để đảm bảo sức khỏe cho người mẹ

Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình đề xuất, nên sửa đổi mức nghỉ 5 ngày để khám thai thành mức tối thiểu và bổ sung mức tối đa là 9 ngày, tương ứng với việc khám thai mỗi tháng 1 lần trong suốt thai kỳ. Theo bà Bình, thai kỳ của phụ nữ là 9 tháng 10 ngày, thông thường lịch khám thai định kỳ là 1 tháng/lần. Vì vậy, quy định chỉ cho 5 lần khám thai được hưởng chế độ là quá ít.

Cho rằng quy định trên là chưa hợp lý bởi trong thời gian mang thai và sinh con, người lao động nữ đi khám thai nhiều hơn 5 lần, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam bày tỏ: "Các khuyến nghị dưới góc độ y khoa đều cho biết, thông thường người phụ nữ mang thai phải trải qua ít nhất khoảng 7 lần đi khám thai định kỳ. Ngoài ra, còn có những lần khám thai theo chỉ định đặc biệt của bác sĩ, để đảm bảo sự phát triển của thai nhi và an toàn sức khỏe cho người mẹ".

Vì vậy, đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị dự thảo luật cần điều chỉnh theo hướng tăng số lần nghỉ việc để đi khám thai lên 7 lần. Ngoài ra, người lao động nữ có thể nghỉ việc BHXH trong trường hợp phải đi khám thai nhiều hơn 7 lần, theo chỉ định của bác sĩ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.