Sáng 21.10, phát biểu khai mạc kỳ họp 8, Quốc hội (QH) khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, tại kỳ họp lần này, QH sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020; đồng thời xem xét, quyết định đề án tổng thể đầu tư phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.
Độc lập, chủ quyền không bao giờ nhân nhượng
Thông điệp về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia cũng được thể hiện rất rõ trong báo cáo về tình hình KT-XH mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày ngay sau đó. Theo Thủ tướng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; tình hình Biển Đông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của VN được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.
“Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”, Thủ tướng khẳng định và cho hay, chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.
Đời sống nhân dân chuyển biến rõ nét
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ năm 2020Chiều 21.10, báo cáo QH về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết 2020 sẽ dành 61.500 tỉ đồng để cải cách tiền lương. Chính phủ đề xuất từ 1.1.2020 tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu/tháng. Nếu mức tăng lương như trên được QH chấp thuận thì lương cơ sở 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).
Thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất này đồng thời cho hay, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách T.Ư cho cải cách tiền lương.
|
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, nền kinh tế được cơ cấu lại thực chất hơn, các ngành, lĩnh vực chủ yếu vẫn phát triển ổn định, tích cực trong bối cảnh khó khăn; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế... Thủ tướng cho hay, với nỗ lực tập trung đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, hỗ trợ tiếp cận thị trường, dự kiến cả năm sẽ có khoảng 134.000 doanh nghiệp (DN) thành lập mới và hàng chục nghìn DN hoạt động trở lại. Tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung trong 9 tháng đầu năm đạt trên 3 triệu tỉ đồng.
Với mức tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra, kinh tế vĩ mô vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt nên theo Thủ tướng, đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét.
Còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá, đất nước vẫn còn những yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm; trong đó có một số công trình hạ tầng trọng điểm theo nghị quyết của QH. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước còn chậm.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
“Có nơi còn thiếu tinh thần quyết tâm, chậm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động; vẫn còn tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn bị buông lỏng, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế”, Thủ tướng nói và lưu ý thực tiễn cho thấy, cùng mặt bằng thể chế, ở đâu cấp ủy, chính quyền, cá nhân người đứng đầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cụ thể, sâu sát thực tiễn, đổi mới sáng tạo, chủ động linh hoạt hơn, thì ở đó đạt được kết quả tốt hơn.
Báo cáo thẩm tra do Ủy ban Kinh tế trình bày sau đó cũng cơ bản nhất trí với kết quả đạt được, trong đó nhấn mạnh, đây là năm thứ 2 liên tiếp ước đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu QH giao (7 chỉ tiêu ước đạt và 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch). Để thấy rõ hơn những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ động lực, chất lượng của tăng trưởng để phát huy cho các năm sau. Bên cạnh đó, mặc dù điều kiện kinh doanh đã cắt giảm, vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên vẫn còn những quan ngại rằng, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp.
Bước sang năm 2020, Thủ tướng lưu ý, cộng đồng DN và nhân dân cả nước cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết liệt đổi mới, dám nghĩ dám làm, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020. Mục tiêu tổng quát, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi...
Bình luận (0)