Đánh giá thực trạng các lò đốt rác y tế trên toàn quốc
Theo Bộ Y tế, chất thải y tế là chất thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, khí thải, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế, trong đó, chất thải y tế có chất thải lây nhiễm là chất thải thấm, dính, chứa máu của cơ thể hoặc chứa vi sinh vật gây bệnh.
Việc thu gom chất thải y tế là quá trình tập hợp chất thải y tế từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế tạm thời hoặc về nơi xử lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.
Chất thải y tế phải phân loại để quản lý ngay tại nơi phát sinh và tại thời điểm phát sinh; từng loại chất thải y tế phải phân loại riêng vào bao bì, dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải theo quy định của Bộ Y tế.
Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, kiểm tra thực tế tại một số địa phương, đơn vị trong năm 2023 cho thấy, vẫn còn một số địa phương chưa ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế trên địa bàn; một số cơ sở y tế chưa kịp thời tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép môi trường thay thế cho giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã hết hạn; chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ thực hiện công tác quản lý chất thải y tế tại đơn vị; chưa thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa để thu gom phục vụ mục đích tái chế; chưa bố trí dụng cụ đựng chất thải y tế theo quy định.
Đáng lưu ý, vẫn còn khu lưu giữ chất thải y tế trong bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu; đơn vị chưa thực hiện thường xuyên việc bảo trì, bảo dưỡng, giám sát vận hành công trình, hệ thống xử lý chất thải y tế; chưa tăng cường quản lý, giám sát nước thải y tế, chất thải rắn y tế sau xử lý.
Để quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế, Bộ Y tế vừa có Công văn số 867/BYT-MT gửi UBND các tỉnh thành, đề nghị chỉ đạo các đơn vị rà soát, bổ sung và ban hành quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế; chỉ đạo sở y tế rà soát toàn bộ hệ thống xử lý nước thải y tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn.
Tại công văn trên, Bộ Y tế cũng yêu cầu báo cáo, đề xuất bố trí kinh phí để đầu tư hoặc nâng cấp, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải cho các cơ sở y tế công lập chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc đã quá tải, xuống cấp để đảm bảo nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải.
Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế phối hợp với sở TN-MT khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động của các lò đốt chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn; kiên quyết cho dừng hoạt động đối với các lò đốt chất thải y tế không đạt QCVN 02: 2012/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế) và có biện pháp giải quyết phù hợp.
Yêu cầu báo cáo chính xác việc quản lý chất thải y tế
Theo Bộ Y tế, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở y tế các tỉnh, thành cần chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chất thải y tế theo luật Bảo vệ môi trường và các quy định hiện hành; rà soát, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý chất thải y tế; đánh giá thực trạng hệ thống xử lý nước thải y tế.
Với đơn vị chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc hệ thống đã quá tải, xuống cấp, các địa phương phải có phương án đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp đảm bảo việc xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả thải; tăng cường quản lý, quan trắc, giám sát vận hành công trình, hệ thống xử lý nước thải y tế, bao gồm giám sát chất thải rắn y tế và nước thải y tế, chất thải y tế sau xử lý.
Cạnh đó, các đơn vị cần có kế hoạch, biện pháp, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải, đồng thời phải báo cáo chính xác kết quả quản lý chất thải y tế; thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại đơn vị; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bình luận (0)