Kiên quyết không để tồn tại băng nhóm xã hội đen

30/07/2013 02:07 GMT+7

Chiều 29.7, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 đã sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013 dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới tất cả các tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá của đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP: 6 tháng đầu năm, tình hình tội phạm tiếp tục được kiềm chế; số vụ phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra và số đối tượng truy nã bị bắt, ra đầu thú đều tăng; kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng môi trường, tội phạm ma túy có chuyển biến tích cực. Chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm, kiến nghị điều tra, khởi tố, xử lý tội phạm được nâng lên. Các địa phương đã tích cực chỉ đạo chuyển hóa các địa bàn trọng điểm phức tạp, xây dựng các mô hình quần chúng tham gia phòng chống tội phạm, tạo được sự chuyển biến tích cực ở cơ sở. Hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội được nâng lên.

Kiên quyết không để tồn tại băng nhóm xã hội đen
Bộ Công an phá sới bạc ở tỉnh Hưng Yên - Ảnh: Thái Sơn

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 138/CP cho rằng tình hình tội phạm thời gian qua còn diễn biến phức tạp. Tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Hầu hết các đối tượng trong các băng nhóm đều tàng trữ sử dụng vũ khí nóng, vật liệu nổ sẵn sàng gây án. Tội phạm cờ bạc diễn ra phổ biến, mở rộng tính chất và quy mô với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi. Hoạt động buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng cấm diễn ra phức tạp ở cả tuyến đường bộ, đường không, đường biển. Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp trên các địa bàn trọng điểm. Mới đây nhất, vào ngày 26.7, Bộ Công an đã chỉ đạo chuyên án bắt 3 đối tượng buôn bán trên 260 bánh heroin. Các đối tượng này đều trang bị vũ khí nóng.

Ghi nhận nỗ lực phòng, chống tội phạm của các ngành và Ban Chỉ đạo 138 ở T.Ư và địa phương, song Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nhìn một cách khách quan, hiệu quả của công tác này chưa cao, không ít vụ phạm tội kéo dài, chậm được phát hiện và xử lý. Tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp gia tăng, phong trào quần chúng của một số ngành, đoàn thể còn yếu, không dám đấu tranh tố giác vì sợ trả thù, công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, còn để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Phó thủ tướng cho rằng sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức xã hội, đề cao lối sống vật chất tầm thường, ý thức kém, coi thường pháp luật của một bộ phận người dân; năng lực của cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; việc trấn áp tội phạm của công an có nơi, có lúc chưa được kiên quyết, một số nơi có sự bảo kê băng nhóm xã hội đen; công tác quản lý vũ khí vật liệu nổ của một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được chặt chẽ, trôi nổi… là những vấn đề đáng lo ngại. Trách nhiệm này thuộc về Ban Chỉ đạo 138/CP, là trách nhiệm của ngành công an.

Phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung các giải pháp để ngăn chặn sự gia tăng tội phạm; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giáo dục cảm hóa để mọi thành phần nhân dân đều thấu hiểu, không được khoán trắng cho lực lượng công an. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cơ sở.

Phó thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại các địa bàn trọng điểm phức tạp, địa bàn giáp ranh, tiếp tục triển khai chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo mở cao điểm trấn áp tội phạm, đấu tranh kiên quyết không để tồn tại băng nhóm xã hội đen, không để tình trạng cướp giật ở những địa bàn trọng điểm, nhất là ở TP.HCM; chỉ đạo thường xuyên thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng bảo kê tại một số địa bàn.

Phó thủ tướng nhấn mạnh các địa phương, đơn vị để xảy ra tình trạng xã hội đen lộng hành, tồn tại thời gian dài phải kiểm điểm nghiêm túc; đẩy mạnh phòng ngừa xã hội, chuyển hóa địa bàn, chống bao che, bảo kê.

6 tháng đầu năm, tội phạm hình sự xảy ra 28.482 vụ; tội phạm về bảo vệ môi trường xảy ra trên 6.300 vụ; phát hiện, bắt giữ trên 10.000 vụ tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ma túy. Theo kết quả điều tra ban đầu, một số nơi có hoạt động của các băng nhóm tội phạm có sự bảo kê, làm ngơ, thiếu trách nhiệm hoặc né tránh của cán bộ, chính quyền cơ sở...

 Thái Uyên - Hoàng Trang  - TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.